|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp địa ốc và bài toán sống còn: Bán những gì thị trường cần

13:39 | 20/12/2023
Chia sẻ
Thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục và phát triển bền vững hơn nếu thu hẹp được tình trạng lệch pha phân phúc.

Một dự án nhà ở vừa túi tiền tại TP HCM. (Ảnh: NamLong).

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng chiến lược, tập trung phát triển các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân. Đầu tháng 12, CTCP Đầu tư TT Capital vừa công bố liên doanh với hai đối tác gồm Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu cùng thực hiện các dự án bất động sản vừa túi tiền ở TP HCM và các tỉnh, thành lân cận.

Theo thông tin được công bố, liên doanh có kế hoạch đầu tư khoảng 150 triệu USD trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ vừa túi tiền.

Dự án đầu tiên của liên doanh nằm ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương với quy mô khoảng 2.000 căn hộ, diện tích 50 - 60m2/căn, giá bán dưới 35 triệu đồng/m2, tương đương dưới 2 tỷ đồng/căn. Các bên đã hoàn tất việc góp vốn cho dự án này trong tháng 11/2023 và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để có thể ra mắt thị trường vào giữa năm 2024.

Tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Nam Long công bố chương trình “Chung tay đưa nhà dễ sở hữu trở lại”. Theo đó, doanh nghiệp này đã ra mắt các sản phẩm như nhà ở xã hội Nam Long 2 giá 600 triệu căn, căn hộ Ehome Southgate Waterpoint giá 1 tỷ/căn, căn hộ Mizuki Park và Akari City giá 3 tỷ/căn, cùng với đó là các sản phẩm nhà dễ sở hữu tại Waterpoint và Izumi City…

Lãnh đạo Nam Long chia sẻ, trong năm 2023, khi mức độ tập trung của thị trường thiên về những sản phẩm “giá trị thật” dành cho người ở thật và những nhà đầu tư dài hạn, doanh nghiệp đã đẩy mạnh nghiên cứu tái cơ cấu sản phẩm, ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm vừa túi tiền (affordable housing) và các sản phẩm cao cấp nhưng có mức giá tối ưu, hợp lý với mức độ đầu tư hạ tầng, phục vụ nhu cầu giãn dân tạo thị trường.

Nam Long cũng cam kết xây dựng 20.000 căn theo Đề án 1 triệu căn Nhà ở xã hội của Chính phủ và cũng đưa được ra thị trường gần 1.500 căn trong năm nay tại hai dự án tại TP HCM và Cần Thơ.

Mới đây, doanh nghiệp này đã công bố bán sỉ một block dự án Ehome Southgate cho Tập đoàn Khai Sáng để làm cơ sở nội trú cho học sinh.

Tập đoàn Hoàng Quân vừa qua đã kiến nghị Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với TP HCM, Long An, Đồng Nai để thực hiện khoảng 50 dự án nhà ở xã hội, quy mô 50.000 căn hộ và 10 tòa chung cư cũ tại TP HCM, Đồng Nai, Long An trong giai đoạn 2023 - 2030.

Doanh nghiệp cho biết 4 công ty thuộc nhóm địa ốc Hoàng Quân được ngân hàng cam kết cho vay 15.000 tỷ đồng để thực hiện số dự án trên. Trong đó, 10.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ tại TP HCM, 5.000 tỷ xây nhà xã hội ở Đồng Nai và Long An. Đây cũng là ba địa phương đặt mục tiêu cao trong phát triển dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

 Chìa khóa trong tay các chủ đầu tư

Thực tế, phân khúc nhà ở cao cấp, nghỉ dưỡng được nhiều doanh nghiệp địa ốc dồn lực phát triển trong những năm gần đây, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh thị trường địa ốc gặp khó khăn như hiện nay, đây là những sản phẩm rất khó thanh khoản để có thể giúp các chủ đầu tư thu dòng tiền về.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho hay, dòng chảy tài chính trên toàn bộ nền kinh tế hiện đang tắc và có khả năng tắc kéo dài.

"Thị trường địa ốc cũng như thị trường vật liệu xây dựng, thị trường vốn đang rơi vào cảnh thảm hại khi số nợ của các nhà thầu, công ty liên quan lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Các nhà thầu xây dựng hiện nay chỉ dám khai thác đầu tư công, không dám nhảy vào đầu tư. Có thể thấy rằng dòng chảy kinh tế đang bế tắc thực sự và chỉ có một lối thoát là bất động sản", vị này nhận định.

Để khơi thông tiền cho bất động sản, ông Nghĩa cho rằng nên tập trung toàn bộ nguồn lực tài chính vào làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Bởi đây là phân khúc có dòng tiền tốt, nhu cầu rất cao. Giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội mới giúp kéo giảm mặt bằng giá của toàn bộ thị trường, qua đó mới tái cấu trúc được toàn bộ hệ thống.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), do thiếu nguồn cung nhà ở trong lúc nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là nhu cầu nhà ở giá vừa túi tiền, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong các năm qua với mức tăng giá trung bình trên dưới 10%/năm.

“Phân khúc nhà ở bình dân bao gồm nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội lẽ ra phải chiếm đa số, tỷ lệ cao nhất nhưng trên thực tế lại quá ít, thậm chí trong 3 năm gần đây thì không còn loại nhà này, trong lúc phân khúc nhà ở cao cấp lẽ ra chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhất thì trên thực tế lại chiếm tỷ lệ lớn nhất đến 70-80% áp đảo thị trường nhà ở. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu cơ, găm giữ làm méo mó thị trường bất động sản và ngốn một nguồn lực lớn của xã hội”, vị này cho hay.

Chủ tịch HoREA cho rằng câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản cần phải được các doanh nghiệp bất động sản trả lời ngay bằng hành động cụ thể trong việc cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. 

Hiệp hội đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng để tăng niềm tin thị trường, tạo dòng tiền và thanh khoản.

Đồng thời, các chủ đầu tư nên chuyển hướng về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân và tham gia thực hiện "Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030" để có thể tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất thương mại thông thường.

Hà Lê