|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp lãi kỷ lục năm COVID-19

15:34 | 25/01/2021
Chia sẻ
Trước tác động từ dịch COVID-19, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo không mấy tích cực trong năm 2020, song thực tế tính đến nay lại xuất hiện nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận năm cao kỷ lục.

Theo dự báo hồi cuối năm 2020 của FiinPro, lợi nhuận sau thuế của khối doanh nghiệp phi tài chính trong năm ước giảm 21,4%, tương đối gần với kế hoạch của các doanh nghiệp đã thông qua đầu năm. Tuy nhiên bất chấp xu hướng chung, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh trong năm COVID-19 thậm chí ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục.

Theo thống kê của chúng tôi, tính đến ngày 25/1 có khoảng 200 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh năm 2020, trong đó có 27 doanh nghiệp đạt kỷ lục về lợi nhuận năm.

Những doanh nghiệp lãi kỷ lục trong năm COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Hòa Phát lập nhiều kỷ lục, câu lạc bộ nghìn tỷ lần đầu gọi tên Dabaco và PHR

Dẫn đầu nhóm doanh nghiệp báo lãi kỷ lục là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Trong thông cáo mới nhất vừa công bố, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hợp nhất cả năm 2020 là 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng 78% so với con số 7.578 tỷ đồng năm ngoái.

Đây là con số lãi kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi thành lập đến nay. Riêng quý IV vừa qua, Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 4.660 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ 2019.

Không chỉ ghi nhận chỉ tiêu lợi nhuận kỷ lục, lần đầu tiên Hòa Phát đạt mức sản lượng 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng (HRC) với gần 700.000 tấn. Riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với năm trước, thị phần 32,5% dẫn đầu toàn ngành.

Những doanh nghiệp lãi kỷ lục trong năm COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Năm 2020, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) ghi nhận doanh thu 10.866 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước đó do sản lượng điện sản xuất năm 2020 ước chỉ đạt 7,255/8,150 tỷ kWh, tương đương 89% kế hoạch.

Theo công ty, nguyên nhân không đạt kế hoạch sản lượng là do nhu cầu điện năng của nền kinh tế không cao, hệ thống hạn chế huy động các tổ máy nhiệt điện than và giá thị trường thấp.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm cùng với thu hẹp chi phí lãi vay kéo lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng 24% lên 1.452 tỷ đồng.

Cùng nhóm ngành điện, CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), CTCP Đầu tư và phát triển điện miền Bắc 2 (ND2) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể và lập kỷ lục về lợi nhuận trong năm 2020.

Sau hơn một năm chuyển sàn lên HOSE, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Dabaco đã tăng trưởng ấn tượng. Năm 2020, hưởng lợi từ giá thịt heo tăng mạnh, công ty ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay, đạt 10.022 tỷ đồng. Cùng với đó, Dabaco lần đầu lọt nhóm các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ đông với khoản lãi sau thuế lên tới 1.400 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp lãi kỷ lục trong năm COVID-19 - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Bên cạnh những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi còn các doanh nghiệp nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác.

Đơn cử như Cao su Phước Hòa với khoản lãi khác gần 940 tỷ đồng trong năm 2020. Khoản lãi này là yếu tố chính giúp công ty báo lãi kỷ lục (1.124 tỷ đồng) mặc dù doanh thu trong năm không biến động so với năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp cao su này đạt lợi nhuận sau thuế trên nghìn tỷ đồng.

Quý IV/2020, CTCP Thaiholdings (THD) ghi nhận khoản lợi nhuận khác 1.126 tỷ đồng nhờ M&A với Thaigroup so với khoản lãi 1 tỷ đồng năm 2019. Đây là nguyên nhân kéo lợi nhuận sau thuế công ty gấp 20 lần năm trước đó, đạt 1.091 tỷ đồng, mức lãi cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, hàng tiêu dùng hưởng lợi

Năm bùng nổ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành y tế được hưởng lợi. Đáng chú ý có CTCP Dược Hậu Giang (DHG) báo lãi sau thuế tăng 17% so với năm trước đó, đạt 739 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu trong năm giảm nhẹ 4%, song giá vốn thành phẩm giảm cùng việc tiết giảm chi phí kéo lợi nhuận công ty đạt kỷ lục.

Bên cạnh đó, các công ty khác trong lĩnh vực y tế như Dược phẩm Imexpharm, Khử trùng Việt Nam và Dược phẩm Hà Tây cũng lần lượt đánh dấu mốc lợi nhuận kỷ lục năm 2020.

Ngoài ra, tại mảng hàng tiêu dùng cũng có hai đơn vị vượt COVID-19 tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, CTCP Dầu Thực vật Tường An (TAC) công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 221 tỷ đồng, tăng gần 30%. Mức doanh thu này cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Dầu Tường An đã cùng vượt 15% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Bột giặt LIX cũng báo lãi sau thuế năm 2020 là 230 tỷ đồng, tăng trưởng 29% và lập kỷ lục cho doanh nghiệp.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp tăng trưởng hai chữ số

Trong các doanh nghiệp lập kỷ lục lợi nhuận trong năm 2020 có không ít tên của các đơn vị phát triển bất động sản nói chung và mảng khu công nghiệp nói riêng.

Đơn cử, CTCP Long Hậu (LHG) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 643 tỷ đồng và LNST đạt hơn 199 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 7% và 40% so với năm 2019. Năm 2020, mảng kinh doanh cốt lõi của Long Hậu là cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu.

Cùng với đó, Becamex TDC, Sonadezi Châu Đức, Bất động sản An Gia hay Nhà Đà Nẵng đều đạt tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số năm 2020 và góp tên vào danh sách các đơn vị lãi kỷ lục năm COVID-19.

Riêng Nhà Đà Nẵng (NDN) đạt lợi nhuận sau thuế cả năm là 325 tỷ đồng nhờ bán giao dự án dự án Monarchy Block B.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 đáng chú ý như Đông Hải Bến Tre (116%), Hóa chất Đức Giang (66%), Dệt may Thành Công (27%), Hóa An (45%)...

Thu Thủy