|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cửa sáng cho doanh nghiệp dược

10:58 | 25/01/2021
Chia sẻ
Chi tiêu chăm sóc sức khỏe phục hồi sau đại dịch cùng với loạt thông tư, quy định hỗ trợ doanh nghiệp dược nội địa cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu là những điểm sáng cho ngành dược trong thời gian tới.

Báo cáo của SSI Research cho biết năm 2020, ngành dược chứng kiến nhiều thay đổi trọng yếu sau đại dịch COVID-19 như thiếu hụt nguồn cung cấp nguyên liệu dược phẩm chính (API) từ Trung Quốc/Ấn Độ khiến chi phí sản xuất thuốc tăng cao.

Việc giãn cách xã hội và kiểm soát chặt chẽ việc đến bệnh viện đã làm gián đoạn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, vì những người có vấn đề sức khỏe không cấp bách hạn chế khám chữa bệnh, dẫn đến doanh số kê đơn và bán thuốc ít hơn. 

Bên cạnh đó, nguồn cung thuốc mới trong nước bị gián đoạn do các nhà máy GMP mới bị chậm tiến độ. Do các nhà máy sản xuất thuốc trong nước mới bị chậm tiến độ và chưa thể đưa vào vận hành trong năm 2020, thuốc nhập khẩu tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với xấp xỉ 58% thị phần dược phẩm Việt Nam. 

Tuy nhiên, SSI Research nhận định dù ngành dược nhạy cảm với COVID-19, nhưng đang dần phục hồi. 

Dịch COVID-19 là thách thức lớn đối với kết quả hoạt động của ngành, đặc biệt trong trường hợp nếu dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, chi tiêu chăm sóc sức khỏe nhìn chung là khoản chi tiêu thiết yếu và nhu cầu chỉ tạm trì hoãn trong thời gian ngắn, do đó, khả năng ngành phục hồi trong năm 2021 là rất cao.

SSI Research ước tính doanh thu dược phẩm Việt Nam năm 2021 tăng 15% so với năm 2020, cao hơn CARG 2015 - 2019 là 11,8%. 

Đơn vị này ước tính tiêu dùng cho y tế sẽ trở lại mức bình thường vào năm 2021, khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người dân tăng trở lại.

Ngoài ra, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh và thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng dài hạn của thị trường chăm sóc sức khỏe.

 - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục sửa đổi quy định đấu thầu thuốc tại bệnh viện công, nhằm khuyến khích sản xuất thuốc generic thay thế thuốc nhập khẩu đắt tiền và giảm gánh nặng tài chính lên quỹ bảo hiểm y tế, do doanh thu phí bảo hiểm đã khó bắt kịp nhu cầu chi trả bảo hiểm trong những năm gần đây.

Năm 2020, Chính phủ ban hành Thông tư 15/2020/TT-BYT thay thế Thông tư 09/2016/TT-BYT, mở rộng danh mục thuốc đầu thầu bởi bệnh viện và thuốc đấu thầu tập trung (thuốc do BHXH Việt Nam trực tiếp tổ chức đấu thầu). 

Do đó, giá thuốc tại kênh bệnh viện đang dần minh bạch hơn, giúp các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh với các loại thuốc nhập khẩu đắt tiền trước đây vẫn chiếm ưu thế trong bệnh viện vì có mức hoa hồng cao cho các y bác sỹ. 

Ngoài ra, Luật Dược (Chương II, Điều 7) và Thông tư 03/2019/TT-BYT quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp, tạo ra ưu thế lớn cho thuốc nội địa. 

Còn phụ thuộc nhiều vào nguồn API nhập khẩu

Bên cạnh triển vọng tích cực của ngành dược thì SSI Research cũng đưa ra một số rủi ro như môi trường pháp lý ngành biến động và các công ty dược còn phụ thuộc nhiều vào nguồn API nhập khẩu. 

Mặc dù các chính sách gần đây hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, môi trường pháp lý cho các công ty dược phẩm vẫn còn biến động khó lường, với việc sửa đổi và ban hành từ 2 đến 5 thông tư mới mỗi năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao trong kinh doanh.

Cửa sáng cho doanh nghiệp dược - Ảnh 2.

SSI Research cũng cho biết Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn API nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm 80% tổng số API nhập khẩu và 70% tổng API sử dụng trong ngành. 

Đây là nút thắt đáng kể về nguyên liệu, vì nếu có bất kỳ thay đổi nào từ các quốc gia này đều có thể ảnh hưởng lớn đến năng lực của các nhà sản xuất thuốc trong nước.

Hoàng Kiều