|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lượng tồn kho ở mức cao, nhập khẩu tôm của Mỹ sẽ chững lại

20:30 | 15/05/2022
Chia sẻ
Nhập khẩu tôm của Mỹ sẽ chững lại vì nhu cầu không tăng trong khi tồn kho đang ở mức cao. Các doanh nghiệp thủy sản dự báo giá tôm sẽ khó nhích lên trong vài tháng tới.

Giá tôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ chững lại

Trong tháng 3, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 76.626 tấn tôm, tương đương 729 triệu USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 39% về giá trị so với tháng 3/2021, theo trang Undercurrent News.

Giá tôm nhập khẩu vào Mỹ đạt 9,52 USD/kg, giảm 0,07 USD/kg so với tháng 2 nhưng tăng 1,16 USD/kg so với mức 8,36 USD/kg của tháng 3/2021.

 (Nguồn: Undercurrent News, Việt hóa: Hoàng Anh)

Trong tháng 3, giá tôm xuất khẩu sang Mỹ của 4 trong 5 nhà cung cấp lại ghi nhận giảm so với tháng 2.

Cụ thể, giá tôm xuất khẩu sang Mỹ của Ấn Độ giá giảm 0,05 USD/kg xuống 9,54 USD/kg; Indonesia giảm 0,15 USD/kg xuống 9,57 USD/kg; Việt Nam, giảm 0,14 USD/kg xuống 10,98 USD/kg; Thái Lan giảm 0,56 USD/kg xuống 11,12 USD/kg, mức giảm mạnh nhất.

Ông Travis Larkin, Chủ tịch của doanh nghiệp bán buôn thủy sản Seafood Exchange, cho biết mặt bằng giá tôm nhập khẩu vào Mỹ trong 3 tháng đầu năm lần lượt ở mức 9,46 USD/kg trong tháng 1; 9,59 USD/kg trong tháng 2 và 9,52 USD/kg vào tháng 3.

Những biến động giá tôm nhập khẩu cho thấy xu hướng “cung tăng, cầu giảm” ở thị trường Mỹ. Do vậy, giá tôm có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Ông Larkin cho biết khi Trung Quốc đang thắt chặt phong tỏa nhiều thành phố để ngăn chặn dịch COVID-19, nhiều nhà sản xuất tôm ở Ecuador và các quốc gia khác đã chớp cơ hội, tìm mọi cách để đưa khối lượng tôm khổng lồ vào Mỹ.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn cung dồi dào trong khi nền kinh tế Mỹ đang chững lại vì lạm phát và các gói kích thích kinh tế của chính phủ đã hết?”, ông Larkin đặt câu hỏi.

Cũng nói về vấn đề này, ông Kevin Tang, Giám đốc điều hành của công ty Sunnyvale Seafood cho biết: “Tôi không nghĩ rằng giá tôm có thể tăng trong vòng 3 tháng tới”. Ông dự đoán có thể xảy ra tình trạng dư cung do thiếu kho lạnh, chiến sự ở Ukraine làm ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển tôm.

Những tháng trước đó, nhu cầu tiêu thụ tôm ở Mỹ bùng nổ, các nhà bán lẻ phải nhập khẩu tôm càng sớm càng tốt. Do vậy thời điểm này, thị trường này đối mặt với tình trạng dư cung, lượng tồn kho cao và người tiêu dùng khó có thể tiêu thụ hết trong thời gian ngắn.

Ông Tang cho biết hiện các doanh nghiệp đang cố gắng giảm lượng hàng tồn kho và có thể sẽ giảm nhập khẩu trong thời gian tới.

“Thị trường tôm sẽ khó tăng bật trở lại cho đến tháng 8 hoặc tháng 9. Bởi, thời điểm đó các nhà bán lẻ sẽ tăng đặt hàng cho các kỳ nghỉ lễ.

Tương tự, ông Jeff Sedacca, Nguyên giám đốc điều hành của công ty thủy sản Sunnyvale, cũng dự đoán rằng thị trường sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa trong vài tháng tới. Giá tôm sẽ không tăng do những tháng trước nhu cầu tiêu thụ tôm cao khiến các nhà sản xuất đưa một lượng lớn tôm vào thị trường, một phần hàng hóa vẫn đang ở chờ ngoài cảng vì vẫn chuyển tắc nghẽn.

Ấn Độ giữ ngôi vương xuất khẩu tôm sang Mỹ

Trong tháng 3, Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ với 23.720 tấn, tương đương 226 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, thị phần tôm của Ấn Độ giảm 3 điểm % so với tháng 3/2021, xuống còn 31% trong tổng nhập khẩu tôm của Mỹ. Ngoài ra, vị trí nhà cung cấp số 1 của Ấn Độ có thể bị đe dọa bởi sự bùng phát của dịch bệnh trên tôm như bệnh đốm trắng.

Ông Durai Murugan, chủ trang trại Sea Gem Aqua Farms, cho biết giá đã giảm xuống mức tương đối thấp. Dù nhu cầu trên thị trường rất lớn, tuy nhiên, bệnh đốm trắng ở Andhra Pradesh và Tamil Nadu đã gây ra đợt giảm giá tạm thời.

Trước đó, ngành tôm Ấn Độ đã có một năm 2021 đầy ấn tượng khi xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 5,72 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2020 và phá vỡ kỷ lục năm 2017 với 4,95 tỷ USD. Dù vậy, ngành tôm Ấn Độ cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với đối thủ Ecuador, đặc biệt với tôm thẻ chân trắng.

Ông Jagdish Fofandi, Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho biết Ecuador đang là nhà sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất hiện nay và Ấn Độ hiện đang phải đấu tranh để giữ lại thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu truyền thống chính của nước này.

thị trường Mỹ, Ấn Độ có lợi thế về mảng tôm chế biến, chúng tôi đã có nhiều sản phẩm mới và chất lượng. Tuy nhiên có vẻ như Ecuador đang bắt kịp xu hướng này”, ông Jagdish nói.

Indonesia vươn lên vị trí thứ 2, Ecuador tụt hạng

Trong tháng 3, Indonesia đã vượt qua Ecuador để trở thành nhà cung cấp tôm lớn thứ hai cho Mỹ. Theo đó, Indonesia xuất khẩu 20.065 tấn tôm sang Mỹ, tương đương 192 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 5% về giá trị so với tháng 3/2021, chiếm khoảng 26% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ.

Undercurrentnews cho rằng Indonesia có thể vươn lên trở thành nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ bởi tôm Ấn Độ đang gặp khó khăn và tôm Indonesia có thể cạnh tranh được với tôm Ecuador.

Còn với Ecuador, trong tháng 3, nhà cung cấp này đã xuất khẩu sang Mỹ 18.478 tấn tôm, tương đương 145 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 54% giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện thị phần tôm Ecuador đang chiếm 24% về lượng, 20% về giá trị trong tổng nhập khẩu tôm của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tôm ở Ecuador đang lo lắng về hoạt động kinh doanh khi chi phí sản xuất bị đẩy lên cao do cuộc xung đột Nga-Ukraine và đợt bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc.

Hiện các nhà sản xuất tôm của Ecuador cần tìm thị trường mới để lấp đầy khoảng trống ở Trung Quốc.

Bởi trong tháng 3, Trung Quốc đã áp đặt các lệnh cấm tạm thời đối với nhập khẩu tôm từ một số công ty của Ecuador do phát hiện virus Sar-CoV-2 trên bao bì sản phẩm. Một trong những mảnh đất mới Ecuador nhắm đến là châu Âu.

Đứng ở vị trí thứ 4, Việt Nam cung cấp cho Mỹ 5.200 tấn tôm trong tháng 3, tương đương 52 triệu USD, tăng 27% về lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. So với các nhà xuất khẩu khác, thị phần tôm của Việt Nam tại Mỹ vẫn còn khá khiêm tốn.

Hoàng Anh