|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng trăm container tôm của Ecuador bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu vì bao bì chứa virus Sars-CoV-2?

08:23 | 25/04/2022
Chia sẻ
Có tin đồn rằng hơn 1.000 container tôm của Ecuador đã bị từ chối nhập khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty nhập khẩu tôm lớn nhất Trung Quốc cho rằng số lượng không nhiều như vậy, nhưng con số 600 container hoàn toàn có khả năng.

Lãnh đạo của một công ty nhập khẩu tôm hàng đầu Trung Quốc cho biết hàng trăm container tôm đông lạnh từ Ecuador có thể đã bị chính quyền Trung Quốc từ chối do xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong các mẫu đóng gói.

"Có tin đồn rằng hơn 1.000 container đã bị chặn. Tuy nhiên, tôi cho rằng số lượng không nhiều như vậy, nhưng chắc chắn phải có 600 container bị từ chối“, Pan Hongyu, giám đốc điều hành của Quanlian Aquatic Products, công ty nhập khẩu tôm lớn nhất ở Trung Quốc trả lời phỏng vấn trang Seafood Guide

Seafood Guide không cung cấp thêm bằng chứng về việc các lô hàng tôm của Ecuador bị từ chối nhập khẩu vào Trung Quốc ngoài nhận xét từ Pan. Tuần trước, giá tôm Ecuador tại Trung Quốc giảm do các lệnh hạn chế đi lại nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ tại các nhà hàng.

Trong quý I/2022, Ecuador ghi nhận lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể theo dữ liệu của Cơ quan Quốc gia về nuôi trồng Thuỷ sản Ecuador, lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý I đạt 133 nghìn tấn, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong tháng 3, Trung Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu tạm thời với một số công ty tôm của Ecuador do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì. 

Theo đó, Tập đoàn Omarsa ở Duran  (Ecuador) và một nhà máy của công ty  Exportadora Total Seafood  đã bị cấm xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong 5 tháng.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đình chỉ nhập khẩu từ nhà máy thứ ba do Emperaci vận hành trong bốn tuần.

Một nguồn tin khác cho rằng trong tháng 5 và tháng 6, các nhà nhập khẩu có thể bắt đầu cạn hàng do lệnh cấm. Tuy nhiên, doanh số bán hàng trong nước hiện đang khó khăn và đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu trong bất kỳ trường hợp nào cũng giảm.

Ngày Quốc tế Lao động đang đến gần tuy nhiên, nhiều người cảm thấy bi quan về thị trường. Nếu người dân tiếp tục bị cấm ra đường, tiêu thụ tôm khó lòng phục hồi.

Thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải hiện vẫn đang bị phong toả. Tính đến ngày 20/4, số ca nhiễm tại thành phố này tăng thêm 2.634 ca.

Mặc dù vậy, Quảng Châu, thành phố lớn thứ ba Trung Quốc, đang dần trở lại bình thường. Giới chức tin rằng dịch bệnh một phần đã được kiểm soát. Trong ngày 20/4, chỉ có 8 ca mắc mới được phát hiện.

Các nhà buôn thuỷ hải sản tại Quảng Đông và Thượng Hải hứng hứng chịu thiệt hại nặng nề từ đợt đóng cửa mới do làn sóng biến chủng omicron đang lây lan mạnh mẽ. Các đại lý tại chợ hải sản Huangsha, trung tâm buôn bán hải sản lớn nhất trong khu vực, bị thiệt hại rất lớn.

Tại Thượng Hải, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại thành phố này đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thuỷ sản với hơn 300 tàu chờ cập cảng. 

Tất cả chợ thủy sản, bao gồm cả Chợ Hải sản Jiangyang Thượng Hải, trung tâm buôn bán thủy sản lớn nhất trong khu vực, đã ngừng hoạt động bán buôn và bán lẻ vào đầu tháng 4, làm gián đoạn chuỗi cung ứng thủy sản tươi sống và đông lạnh.

H.Mĩ