Nhập khẩu đường từ Thái Lan giảm 70%, cơ hội vực dậy ngành mía đường trong nước?
Đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh, ngành mía đường trong nước dự báo khởi sắc trong thời gian tới
Số liệu của Hải quan Thái Lan cho thấy, xuất khẩu đường (HS: 1701) của nước này trong 9 tháng đầu năm nay đạt 2,6 triệu tấn, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đường sang Việt Nam giảm mạnh 67% (tương ứng giảm 686.040 tấn) so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 338.722 tấn. Đồng thời Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 về thị trường xuất khẩu đường lớn nhất của Thái Lan từ vị trí thứ 2 của cùng kỳ.
Tính riêng tháng 9, xuất khẩu đường của Thái Lan sang Việt Nam đã giảm tháng thứ 8 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt 15.072 tấn, giảm 88,8% so với tháng 9/2020.
Nhập khẩu đường giá rẻ từ Thái Lan vào nước ta đã giảm mạnh từ tháng 2 đến nay sau khi các biện pháp phòng vệ thương mại với đường mía xuất xứ từ Thái Lan được kích hoạt, qua đó mở ra sự phục hồi của ngành mía đường trong nước.
Trong quý III/2021, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 2.115 tỷ đồng và 348 tỷ đồng, tăng lần lượt 14,6% và 49,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số doanh nghiệp ngành mía đường có năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/7 năm trước và kết thúc vào 30/6 năm sau cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I niên độ 2021 - 2022 (từ 1/7/2021 đến 30/9/2021).
Có thể kể đến như Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà - TTC Sugar (mã SBT) có lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ trong quý I niên vụ 2021-2021, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ niên độ 2020-2021.
Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã: LSS) có doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 146,4 tỷ đồng và 33,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 34,7% và 129,4% so với cùng kỳ niên độ 2020-2021.
Còn theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), giá đường trong nước hiện đang cao nhất trong 4 năm qua và dự báo giá sẽ tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian tới.
Qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.
Vừa qua, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cũng đã có văn bản khuyến cáo giá mua mía cho vụ ép 2021-2022 gửi các hội viên. Theo đó, Hiệp hội đã tiến hành thảo luận và thống nhất cao về định hướng phục hồi vùng nguyên liệu mía trong thời gian sắp đến thông qua việc nâng cao giá mua mía cho người nông dân.
Theo VSSA, việc nâng giá mía là biện pháp củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường và thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với người nông dân sau những vụ mía liên tiếp gặp khó khăn trong giai đoạn vừa qua.
Đồng thời, VSSA dự báo niên vụ 2021-2022 sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Ngày 16/6, Bộ Công Thương chính thức áp thuế 47,64% đối với một số sản phẩm đường từ Thái Lan, trong đó thuế chống bán phá giá (CBPG) là 42,99% chống trợ cấp (CTC) là 4,65% với thời hạn 5 năm.
Trước đó, từ giữa tháng 2 năm nay đường mía nhập khẩu từ Thái Lan chịu mức thuế CBPG và CTC tạm thời là 44,88% với đường tinh luyện, 33,88% đối với đường thô.
Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các hành vi gian lận thương mại trong ngành mía đường
Bên cạnh tác động tích cực từ việc áp thuế CBPG và CTC đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các hành vi gian lận thương mại đối với mặt hàng này.
Ngày 5/11, lực lượng Hải quan tỉnh Quảng Trị đã phát hiện vụ vận chuyển 3.000 kg đường kính trắng do Thái Lan sản xuất, nhập khẩu trong địa bàn hoạt động hải quan, không có chứng từ hợp pháp.
Đặc biệt, ngày 6/11 vừa qua, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã kiểm tra đột xuất kho hàng trên khu vực biên giới huyện An Phú, phát hiện và tạm giữ gần 10 tấn đường cát Thái Lan nghi vấn nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Trước đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng buôn lậu và vận chuyển trái phép đường cát qua biên giới.
Theo VSSA, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đường giảm sút vì dịch COVID-19 như Việt Nam, Campuchia nhập khẩu đường Thái Lan không để tiêu dùng trong nước và chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu vào Việt Nam (chính ngạch và nhập lậu).
8 tháng đầu năm nay, Campuchia nhập khẩu 393.414 tấn đường từ Thái Lan và xuất khẩu chính thức sang Việt Nam 100.444 tấn, do đó vẫn còn lại một lượng lớn đường được tập kết bên kia biên giới để tìm mọi cách vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, VSSA cũng cho biết, nhập khẩu đường từ ASEAN đang có diễn biến bất thường khi tăng tới 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ 90.888 tấn lên 570.245 tấn trong 8 tháng năm nay.
Thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, VSSA nhận định.
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ của VSSA yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Ngày 21/9, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2171/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bị cáo buộc lẩn tránh thông qua Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Còn theo số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng đường xuất khẩu của Thái Lan sang một số nước ASEAN đang tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Campuchia tăng 28,6%, Malaysia tăng 10,5%, Lào tăng 12,2%.
Do đó, nhiều ý kiến lo ngại Thái Lan đang mượn xuất xứ các nước trong khu vực để xuất khẩu đường sang Việt Nam nhằm né thuế CBPG và CTC.
Thị trường xuất khẩu đường (HS: 1701) của Thái Lan trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021
Thị trường | Tháng 9/2021 (tấn) | So với tháng 8/2021 (%) | So với tháng 9/2020 (%) | 9 tháng năm 2021 (tấn) | So với 9 tháng năm 2020 (%) |
Tổng | 273.024 | -1,2 | -21,8 | 2.604.706 | -47,0 |
Indonesia | 95.611 | 10,2 | 3,9 | 686.122 | -67,4 |
Campuchia | 28.189 | -28,3 | 24,4 | 400.963 | 28,6 |
Việt Nam | 15.072 | 148,3 | -88,8 | 338.722 | -66,9 |
Hàn Quốc | 8.339 | -75,3 | 55,4 | 185.698 | -23,7 |
Đài Loan | 31.614 | 209,6 | 360,6 | 165.229 | -26,6 |
Philippines | 27.693 | 30,9 | 203,1 | 135.563 | 16,0 |
Malaysia | 7.024 | 65,1 | -31,6 | 134.146 | 10,5 |
Nhật Bản | 5.971 | -74,3 | -40,4 | 111.286 | 11,7 |
Lào | 7.640 | -45,5 | -39,4 | 89.684 | 12,2 |
Singapore | 8.635 | 5,7 | 0,7 | 76.261 | -17,5 |
Myanmar | 15.027 | 87,2 | -3,8 | 69.840 | -19,1 |
Trung Quốc | 7.153 | 11,7 | 7,7 | 57.792 | -28,6 |
Papua New Guinea | 4.391 | 34,9 | 95,0 | 37.070 | 0,7 |
Hồng Kông | 4.583 | 83,3 | 128,0 | 26.110 | -50,6 |
Sri Lanka | 250 |
| -92,4 | 19.500 | -21,2 |
Thị trường khác | 5.831 | -32,6 | -12,0 | 70.720 | -27,6 |
Nguồn: Hải quan Thái Lan. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)