Người Việt vẫn ngần ngại chi tiêu qua mạng
Trong báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company về kinh tế số khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế internet của Việt Nam hiện có 97 triệu người dùng các dịch vụ số, xếp thứ 3/6 quốc gia Đông Nam Á. Tuy vậy, số người tiêu dùng số (đã ít nhất một lần mua hàng trên mạng) của Việt Nam lại chỉ đứng thứ 5/6 với 71% người dùng.
Tính đến nửa đầu năm 2021, báo cáo ghi nhận Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng số mới, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát với 55% số người tiêu dùng mới đang sống tại các tỉnh thành, không phải thành phố lớn.
Đáng chú ý, tiêu dùng số giờ đây đã trở thành một lối sống mới khi có 97% người tiêu dùng mới đang sử dụng các nền tảng dịch vụ kinh tế số và 99% trong số họ có ý định tiếp tục dùng.
Kinh doanh online tăng trưởng nhanh tại Việt Nam
Với những người đã là khách hàng quen của các nền tảng số, họ đã gia tăng số dịch vụ mà mình dùng lên con số trung bình là 4 dịch vụ/người kể từ khi đại dịch quay trở lại và sự hài lòng đạt tỷ lệ 83%.
Đặc biệt, số lượng người kinh doanh trên các nền tảng số tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và 30% những người này tin rằng họ khó có thể sống sót qua đại dịch nếu thiếu các nền tảng số.
Theo báo cáo, những người kinh doanh số sử dụng trung bình hai nền tảng số và lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Với 99% người kinh doanh số hiện chấp nhận thanh toán số và 72% đã áp dụng các giải pháp cho vay số.
Nhiều người cũng đang sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tương tác với khách hàng của họ, với 72% hy vọng sẽ tăng việc sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số trong năm năm tới.
Trong 5 năm tới, digital marketing (tiếp thị số) được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỷ lệ là 72% trong khi các dịch vụ cho vay số sẽ có thể tăng trưởng 81% trong vòng 1-2 năm tới.
Nhìn chung, hầu hết các lĩnh vực internet tiếp tục phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng, chứng tỏ sức bật của nền kinh tế số trong đại dịch COVID-19. GMV năm 2021 của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tổng giá trị là 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng này được củng cố bởi mức tăng trưởng 53% trong thương mại điện tử, bất chấp thị trường du lịch trực tuyến đang thu hẹp do quy định hạn chế đi lại. Nhìn vào năm 2025, nền kinh tế internet của Việt Nam có thể sẽ đạt 57 tỷ USD giá trị, tăng trưởng với tốc độ CAGR 29%.
Tiền tiếp tục chảy vào kinh tế số
Các hoạt động đầu tư đang gia tăng tại thị trường Việt Nam, số deal trong nửa đầu năm 2021 là 89 trong khi nửa cuối năm 2020 là 67 thương vụ. Tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào kinh tế số tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 là 1,3 tỷ USD, gấp 4 lần nửa đầu năm 2020 (327 triệu USD).
Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới rất hấp dẫn với nhiều đơn vị nghiên cứu sáng tạo, đổi mới. Bất chấp sự không chắc chắn của thị trường, vốn từ khắp nơi vẫn tiếp tục rót vào nước ta nhờ các nền tảng cơ bản tăng trưởng mạnh mẽ và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Những lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech, healthtech và edtech tăng trưởng đầu tư mặc cho đại dịch COVID-19 hoành hành.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Đông Nam Á hiện có hơn 440 triệu người dùng Internet, hơn 350 triệu là người dùng các dịch vụ số, tăng 60 triệu người từ khi đại dịch bùng phát.
Thương mại điện tử được kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế số tại Đông Nam Á trong 10 năm tới. Đến cuối năm 2021, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước tính đạt 120 tỷ USD, cao hơn gần gấp đôi so với năm 2020, dự kiến tăng lên 234 tỷ USD vào năm 2025.
Lĩnh vực giao đồ ăn có mức tăng trưởng cùng kỳ đạt 33%, lên 12 tỷ USD theo GMV và có hơn 71% người dùng Internet trong khu vực Đông Nam Á đã đặt đồ ăn online ít nhất một lần.