Lão tướng sáng lập FPT: Kinh tế số là lĩnh vực tạo ra nhiều triệu phú USD nhất cho người Việt
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo - một trong 13 thành viên sáng lập tập đoàn FPT và hiện đang giữ chức Phó Tổng giám đốc FPT, đã có những chia sẻ về tương lai của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn lại chia sẻ này, đã biên tập lại để phù hợp với văn phong báo chí:
Những câu hỏi nhiều trăn trở
Đã từ nhiều năm nay chúng ta trăn trở rằng "năng xuất lao động của người Việt Nam thấp, chỉ bằng 1/20 Singapore", "động lực tăng trưởng của chúng ta phụ thuộc quá lớn vào đầu tư FDI, mà đầu tư FDI vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng lợi thế về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực giá rẻ, vì vậy mà FDI chỉ mang lại giá trị gia tăng thấp", "nếu không thay đổi cơ cấu kinh tế thì nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khá lớn".
Chúng ta đã bàn nhiều, đã loay hoay tìm cách tạo ra những lĩnh vực kinh tế có giá trị gia tăng cao, tạo ra năng xuất lao động cao hơn, rồi có một thời chúng ta hô hào: "phải tạo ra sản phẩm make in Việt Nam", "Go Global".
Bằng sự sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm (dám đi tìm những vùng đất mới) của thế hệ trẻ 8X, 9X trong thời đại internet, bằng những kết quả được khẳng định trên thực tế đã giúp các nhà hoạch định chính sách quốc gia xác định rằng kinh tế số, chính là tương lai của Việt Nam, là lời giải cho những câu hỏi, những trăn trở ở trên.
Kinh tế số là lời giải
Kinh tế số không có biên giới, dễ ràng tiến ra toàn cầu (Go Global), ít ảnh hưởng bởi đại dịch, có năng xuất lao động cao gấp 5, gấp 10 năng xuất lao động trung bình của quốc gia, có tốc độ tăng trưởng gấp 4-5 lần tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia.
Trong lĩnh vực Blockchian, Mobile Game, Crypto (tiền điện tử), chỉ trong vòng có 4-6 năm thôi đã tạo ra một vài công ty có vốn hoá hàng tỷ USD và hàng chục công ty có giá trị vài trăm triệu đô và đang là lĩnh vực tạo ra nhiều triệu phú USD nhất cho người Việt.
Trong lĩnh vực YouTube đã có những bạn trẻ có thu nhập 200 tỷ, 300 tỷ đồng, nộp thuế thu nhập cá nhân 18 tỷ, 23 tỷ đồng một năm. Không chỉ các bạn sống ở thành phố mà số các bạn sinh ra và sinh sống ở nông thôn trở thành YouTube nổi tiếng cũng không hiếm.
Trong lĩnh vực Affiliates, Dropship, POD đã có khá nhiều các bạn sinh viên, thậm chí học phổ thông 9X đời cuối, 2000 đời đầu trở thành triệu phú USD.
Kinh tế số là gì?
Kinh tế số là một phần của nền kinh tế, hoạt động dựa trên ứng dụng công nghệ số, bao gồm hai mô hình: Thứ nhất là cung cấp dịch vụ số cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân; thứ hai là sản xuất, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số
Đối với mô hình thứ nhất cung cấp dịch vụ số gọi là nền kinh tế internet (dịch vụ được thực hiện trên Internet), bao gồm các lĩnh vực sau: E-Commerce (thương mại điện tử, mua bán online), Transport & Food: Transport, Food Delivery (Vận chuyển công nghệ, giao đồ ăn).
Online Travel: Flight, Hotel, Vacation Rentals (booking chuyến bay, khách sạn, Abnb); Online Media: Advertising, Gaming, Video on Demand, Music on Demand (quảng cáo trực tuyến, game, video, âm nhạc theo yêu cầu); Financial Services: Payment, Remittance, Lending, Isurance, Investing (thanh toán, chuyển tiền, cho vay, bảo hiểm, đầu tư).
Thứ nữa là HealthTech (Khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ từ xa) và cuối cùng là EdTech (đào tạo trực tuyến).
Mô hình thứ hai chính là sản xuất và tạo ra các sản phẩm (ứng dụng), công cụ và dịch vụ thuộc 7 lĩnh vực kinh tế số trên. Đây chính là lĩnh vực mà người Việt có sở trường, có thể vượt lên trên, đứng đầu các quốc gia Đông Nam Á.
Tiềm năng kinh tế số tại Việt Nam
Theo Google, Temasek và Bain & Company trong báo cáo "e-Conomy SEA 2020" thì năm 2020 kinh tế số internet Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 16%, cao nhất ASEAN và trong giai đoạn 2020-2025, kinh tế số Internet của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép đạt 29% năm (cao gấp hơn 4 lần tăng trưởng GDP), đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.
Cũng theo Google và Temasek, Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, trong đó Hà Nội và TP HCM là hai trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của Đông Nam Á.
Trong lĩnh vực phần mềm, đặc biệt là phần mềm xuất khẩu, Việt Nam chúng ta đang có nguồn lao động lớn với qui mô tính bằng trăm nghìn người, với năng xuất lao động cao gấp 5 - 6 lần năng xuất lao động bình quân cả nước.
Điều đáng mừng là nhiều công ty đã chuyển sang mô hình làm những công việc trọn gói với qui mô lớn, làm sản phẩm thương mại trong lĩnh vực AI, Bigdata, Blockchain, những công việc khó hơn, có năng xuất lao động cao hơn.
Về sản xuất các ứng dụng Mobile Game (thị trường toàn cầu cỡ 100 tỷ USD năm), Việt Nam thuộc top 7 thế giới, đứng đầu Đông Nam Á (Singapore đứng thứ hai). Trong lĩnh vực Blockchain, AI, Crypto, Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng với nhiều dự án thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ, ngoài Sky Mavis còn khá nhiều công ty khác rất tiềm năng, còn đang ẩn mình.
Bạn hãy tưởng tượng nếu không có e-commerce (mua bán online), không có shipper công nghệ, không có ebanking thanh toán online, không có mạng xã hội, không có hội họp trực tuyến, thì không biết chúng ta sẽ sống như thế nào trong những ngày lockdown toàn thành phố, toàn xã hội vừa qua.
Vâng chính nhờ kinh tế số mà chúng ta đã sống, tồn tại, làm việc tại nhà, để cùng nhau vượt qua những ngày gian khó nhất trong đại dịch COVID-19. Thế nên hãy tin rằng tương lai của chúng ta là kinh tế số.