|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngoại trưởng Trung Quốc liên tục dụng ý đối đầu Mỹ khi thăm Trung Đông

10:38 | 01/04/2021
Chia sẻ
Trong chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc cam kết sẽ làm việc cùng 6 nước Trung Đông nhằm giúp bảo vệ lợi ích cốt lõi của đôi bên cũng như chống lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền, đặc biệt là áp lực từ Mỹ.

Khép lại chuyến công du vào ngày 30/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hứa hẹn sẽ hợp tác cùng 6 quốc gia Trung Đông, chủ yếu theo Hồi giáo gồm Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, UAE, Bahrain và Oman.

Trong suốt chuyến thăm, ông Vương đã cố gắng thúc đẩy niềm tin của 6 nước này vào Trung Quốc - nền kinh tế đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương. Ngoài ra, để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, ông Vương còn khuyến khích Trung Đông sử dụng các đồng tiền nội tệ để giao dịch thương mại.

"Trung Quốc và 6 nước Trung Đông sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau về lợi ích cốt lõi. Đây là kết quả quan trọng nhất của chuyến đi", Ngoại trưởng Trung Quốc chia sẻ với truyền thông tại quê nhà.

"Chúng tôi cực lực phản đối việc một số nước áp đặt ý thức hệ lên nước khác và sử dụng nhân quyền như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ và bôi nhọ nước khác", ông Vương nhấn mạnh.

Trong số các nước mà Ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ bình luận công khai về vấn đề Tân Cương. UAE đề cập đến việc triển khai một vắc xin của Trung Quốc; Iran ký kết kế hoạch phát triển 25 năm với Trung Quốc trên lĩnh vực năng lượng, thương mại và đầu tư cơ sở hạ tầng; Oman ký kết thỏa thuận miễn thị thực với Trung Quốc; và Bahrain muốn hợp tác về thương mại và kiểm soát đại dịch COVID-19.

Ở một bình luận ám chỉ Mỹ, ông Vương Nghị mô tả các biện pháp trừng phạt chống lại Iran là "đơn phương" và "vòi bạch tuột". Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng Mỹ cần phải hủy bỏ trừng phạt để nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Iran.

Ngoài ra, ông Vương còn cho biết Trung Quốc có thể tổ chức một diễn đàn an ninh để giúp khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính quyền Tổng thống Biden từng phát tín hiệu sẽ tham gia đàm phán trở lại nếu Iran thực hiện các cam kết trong thỏa thuận năm 2015.

Thăm Trung Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc liên tục dụng ý đối đầu Mỹ - Ảnh 2.

Thái tử Bahrain Salman bin Hamad Al Khalifa gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Manama (Bahrain) hôm 29/3. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Theo South China Morning Post, chuyến công du của ông Vương Nghị diễn ra ngay sau cuộc họp nảy lửa tại Alaska hồi đầu tháng 3 giữa các quan chức Mỹ - Trung. Khi đó, Ngoại trưởng Vương và nhà lãnh đạo cấp cao Dương Khiết Trì đã công khai đấu khẩu với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan về nhiều vấn đề trong đó có nhân quyền.

Sau đó, EU áp lệnh trừng phạt lên các quan chức và tổ chức Trung Quốc có liên quan đến cáo buộc đàn áp và sử dụng lao động cưỡng ép tại Tân Cương. Anh, Canada và Mỹ cũng nhanh chóng nối gót EU, buộc chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình phải đáp trả.

Cũng trong ngày 30/3, Ngoại trưởng Blinken cho biết Washington sẽ lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền ở bất cứ đâu trên thế giới, kể cả ở Mỹ và các nước mà Mỹ coi là đồng minh.

Khi trình bày báo cáo về nhân quyền đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, ông Blinken đã nhấn mạnh một số cáo buộc lạm dụng nhân quyền, bao gồm tại Trung Quốc. Ông Blinken cũng nhắc lại "tội ác diệt chủng" nhắm vào người dân thuộc tộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bản báo cáo cũng nêu chi tiết các cáo buộc giết người và tra tấn trái pháp luật ở Arab Saudi và Ai Cập.

Căng thẳng tại Tân Cương leo thang vào tuần trước khi các thương hiệu nước ngoài như hãng thời trang nhanh H&M (Thụy Điển) bị tẩy chay ở Trung Quốc đại lục vì từ chối bông Tân Cương.

Washington khẳng định vụ tẩy chay do Bắc Kinh khởi xướng, trong khi Bắc Kinh cho rằng các cáo buộc vi phạm nhân quyền là một phần trong chiến dịch tung tin giả do Washington châm ngòi.

Mỹ - Trung đều đang nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng minh khi mâu thuẫn giữa hai siêu cường này dâng cao. Trước đó, Mỹ đã đề cập rõ mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc gặp với các quan chức châu Âu. Trong chuyến thăm Trung Đông, dù ông Vương Nghị không nêu đích danh nước nào, khá nhiều bình luận của ông được cho là nhắm vào Mỹ.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.