|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

H&M, Nike, Adidas bị tẩy chay ở Trung Quốc

14:45 | 25/03/2021
Chia sẻ
Làn sóng tẩy chay các thương hiệu thời trang ngoại như H&M, Nike hay Adidas đang lan mạnh trên các mạng xã hội ở Trung Quốc.

Ít nhất một nhà bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc đã dừng bán các sản phẩm của H&M trong bối cảnh thương hiệu Thuỵ Điển gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội vì một bài đăng trong quá khứ nói rằng H&M "quan ngại sâu sắc" về tình trạng bóc lột lao động ở Tân Cương, theo Reuters.

H&M bất ngờ bị tẩy chay ở Trung Quốc vì một phát ngôn trong quá khứ - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán lẻ của H&M tại Trung Quốc. (Ảnh: BBC)

Trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, H&M chia sẻ trong một thông báo rằng thương hiệu này "quan ngại sâu sắc với những báo cáo từ các tổ chức xã hội và truyền thông về việc bóc lột lao động". H&M đồng thời nói rằng sẽ không sử dụng các sản phẩm từ Tân Cương.

Hiện chưa rõ lý do vì sao một tuyên bố của H&M trong quá khứ lại bất ngờ nhận được nhiều sự quan tâm và gây tranh cãi trong dư luận.

Hôm 24/3, cửa hàng chính thức của H&M trên Tmall (Alibaba) không thể truy cập được. Tờ Nhân dân Nhật báo cũng đưa tin rằng tìm kiếm các sản phẩm của H&M trên JD.com hay Pinduoduo cũng không trả về bất kỳ kết quả nào. Về phần mình, tất cả các sàn TMĐT nói trên đều từ chối bình luận.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 trên thế giới của H&M với doanh số trong 12 tháng (tính đến 11/2020) đạt mốc 339 triệu USD.

"Tung tin đồn để bắt nạt sản phẩm bông, sợi Tân Cương nhưng vẫn muốn kiếm tiền ở Trung Quốc? Thật là một suy nghĩ viển vông!", Reuters dẫn lời một người Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội Weibo.

Diễn viên Hoàng Hiên chia sẻ trên Weibo rằng anh sẽ chấm dứt hợp đồng đại diện vứi H&M và khẳng định rằng anh phản đối việc "vu khống và tự tạo tin đồn". Trước đó, trong bài đăng gốc của mình, H&M nói rằng sẽ dừng hợp ác với nhà cung ứng Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng lao động.

Trên mạng xã hội, làn sóng tẩy chay và kêu gọi H&M rời Trung Quốc đang lan nhanh. Đại diện công ty tại Trung Quốc nói rằng luôn tôn trọng người dùng Trung Quốc và cam kết đầu từ lâu dài và phát triển ở Trung Quốc. H&M nói thêm rằng hiện tại không mua trực tiếp sản phẩm bông, sợi từ bất kỳ nhà cung ứng nào.

"H&M luôn quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu một cách cởi mở và minh bạch để đảm bảo các nhà cung ứng trên toàn cầu tuân thủ theo cam kết bền vững của chúng tôi", công ty cho biết.

Không chỉ H&M, nhiều thương hiệu bán lẻ ngoại khác như Nike  và Adidas cũng gặp vấn đề tương tự. Nike từng phát ngôn "lo ngại" về tình hình lao động một cách cưỡng bức.

Nhiều người dùng sau đó đã tuyên bố sẽ dừng sử dụng những thương hiệu ngoại này và ủng hộ sản phẩm nội địa như Li Ning hay Anta. 

Tờ Global Times đưa tin rằng Inditex, công ty mẹ của Zara, đã lặng lẽ xóa bỏ một tuyên bố bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha về Tân Cương khỏi các trang web của mình.

Thái Sơn