|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

80% công ty tăng trưởng sau khi 'tẩy chay' Facebook, sự thật ra sao?

16:02 | 26/01/2021
Chia sẻ
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Forrester cho rằng quảng cáo Facebook không quá quan trọng với các thương hiệu lớn. Tuy nhiên những lập luận trong báo cáo này vẫn có những luận điểm chưa thật sự chắc chắn.

Mọi chuyện bắt nguồn từ bài viết trên trang Retail Dive, với tiêu đề: "Dữ liệu của Forrester chỉ ra quảng cáo Facebook không quá quan trọng đến nhường ấy". Trong bài viết, tác giả dẫn một báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Forrester, chỉ ra rằng 36/43 công ty công khai tẩy chay quảng cáo Facebook trong quý 2/2020 chứng kiến doanh thu quý 3 cao hơn quý 1.

Bà Sucharita Kodali, Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của Forrester còn nhận định rằng 7 công ty còn lại chịu tác động từ COVID-19 nên không thể "tăng trưởng" doanh thu, chứ không phải do tác động của đợt tẩy chay Facebook.

Bài viết của Retail Dive không nêu tên 7 công ty này.

Quay trở lại thời điểm tháng 7/2020, làn sóng tẩy chay quảng cáo trở nên dữ dội, khi những cái tên như Adidas, Birchbox, Best Buy, Unilever và Clorox công khai dừng chạy quảng cáo trên nền tảng Facebook. Theo CNBC, số doanh nghiệp thực tế tẩy chay Facebook ads có thể lên đến con số hơn 1.000. Năm 2019, Facebook kiếm về 70 tỷ USD từ quảng cáo.

Các thương hiệu tẩy chay Facebook vì cho rằng mạng xã hội lớn nhất thế giới đã không mạnh tay với những phát ngôn gây thù hằn, có tính bạo lực và phân biệt chủng tộc. Làn sóng bắt đầu yếu dần cho đến thời điểm cuối năm 2020.

80% công ty tăng trưởng sau khi 'tẩy chay' Facebook, sự thật ra sao? - Ảnh 1.

Facebook của Mark Zuckerberg bị nhiều nhãn hàng tẩy chay trong năm 2020 (Ảnh: CNBC).

Quay trở lại thống kê từ Forrester với 80% doanh nghiệp "tăng trưởng" doanh thu trước và sau đợt tẩy chay. Trên thực tế, đây không hẳn là một thống kê mang nhiều ý nghĩa. Các nhà phân tích tài chính thông thường sẽ so sánh các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước (tức là so sánh quý 3/2020 với quý 3/2019 thay vì quý 1/2020).

Nguyên nhân dẫn đến phép so sánh này là vì mỗi ngành kinh doanh sẽ có những đặc thù riêng. Có những ngành kinh doanh đẩy mạnh bán hàng vào cuối năm, do đó doanh số các tháng cuối năm sẽ tăng mạnh hơn. Hoặc một số ngành khác lại đẩy mạnh kinh doanh vào mùa hè.

Chính vì thế, chưa chắc 36 doanh nghiệp trong thống kê của Forrester đã "tăng trưởng" trong thực tế, và cũng chưa chắc 7 công ty còn lại đã "giảm" doanh thu. Điều này cần một nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp trong danh sách nghiên cứu của Forrester đều là những công ty có tên tuổi, có thương hiệu ổn định phát triển. Chính vì thế việc họ tăng trưởng doanh thu cũng là một câu chuyện không lạ.

Một ví dụ hết sức cụ thể là Adidas. Nhìn bên ngoài, doanh thu quý 3/2020 của hãng thời trang này là 7,23 tỷ USD, cao hơn so với 5,77 tỷ USD của quý 1/2020. Tuy nhiên trong suốt nhiều năm trước đó, doanh thu quý 3 hàng năm của Adidas đều cao hơn so với quý 1 cùng năm.

Với doanh thu quý 3/2019 của Adidas là 7,78 tỷ USD, thậm chí có thể nói Adidas đã "tụt dốc" trong quý 3/2020, thời điểm họ bắt đầu tẩy chay quảng cáo Facebook.

"Trên thực tế, họ (các doanh nghiệp) đã làm tốt và không có tác động tiêu cực (khi ngừng quảng cáo trên Facebook). Theo tôi, mức doanh thu tăng trưởng từ việc chạy quảng cáo Facebook là tương đối hạn chế", bà Kodali nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đây cũng là một lập luận vẫn có những lỗ hổng. Cụ thể, việc chạy quảng cáo trên Facebook có thể sẽ tạo ra đơn hàng trực tiếp (từ những khách hàng click vào quảng cáo) hoặc gián tiếp (từ việc khách hàng nhìn thấy thương hiệu trên Facebook rồi mua hàng thông qua các nền tảng khác).

Trong khi hiệu quả bằng cách tạo ra đơn hàng gián tiếp tương đối khó đánh giá thì hiệu quả từ những đơn hàng trực tiếp lại được thống kê một cách rõ ràng. Chính vì thế, việc đánh giá chạy quảng cáo có thật sự quan trọng hay không vẫn là một vấn đề cần thêm nhiều số liệu để chứng minh.

Tiểu Phượng