Ngành vận tải biển đảo chiều, Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) báo lãi ròng giảm hơn một nửa
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) - tên cũ là Vinalines hiện đang quản lý trực tiếp và gián tiếp 14 cảng biển trải dài khắp cả nước như Cảng Hải Phòng, Cảng Cái Lân, Cảng VMIC Đình Vũ, Cảng Đà Nẵng, Cảng Cam Ranh, Cảng Quy Nhơn, Cảng Cần Thơ, Cảng Quốc tế Cái Mép,…
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Vinalines cho thấy doanh thu thuần đạt 2.849 tỷ đồng, giảm gần 13% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động vận tải đóng góp 1.076 tỷ đồng, khai thác cảng và dịch vụ hàng hóa góp 1.451 tỷ, lần lượt giảm 12% và 22%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp của Vinalines đạt 650 tỷ. Biên lãi gộp thu hẹp từ 27,5% cùng kỳ xuống 22,8% quý này. Doanh thu tài chính tăng trong khi chi phí lãi vay được tiết giảm, đồng thời có thêm thu nhập từ bồi hoàn bảo hiểm 131 tỷ đồng. Kết quả Vinalines báo lãi sau thuế 396 tỷ đồng, lãi ròng 259 tỷ, lần lượt giảm 42% và 53%.
Năm 2023, Vinalines đặt chỉ tiêu 13.354 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế là 2.330 tỷ đồng. Như vậy sau ba tháng đầu năm, tổng công ty đều đã thực hiện được 21% hai mục tiêu trên.
Đánh giá về năm 2023, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Vinalines cho rằng đây là "một năm rất khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, để có lãi đã là tốt rồi. Năm nay, chúng tôi không đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên hàng đầu, song, có những mục tiêu cần phải kiên trì, làm bằng được như mở rộng thị phần, tăng doanh thu bên ngoài hoạt động cốt lõi”.
Theo ông Tĩnh, trong thời gian tới, công ty sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần để tăng doanh thu. Vì "làm ăn bây giờ rất khó, để kiếm được một container về cảng là điều không dễ khi các cảng ngày càng nhiều. Trong khi đơn vị làm dịch vụ ngày càng gia tăng, cạnh tranh khốc liệt”, Tổng giám đốc nhấn mạnh.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, đại diện Vinalines cũng nhận định năm 2023, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.
Lĩnh vực cảng biển của tổng công ty sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý IV/2022…
Đối với ngành logistics, từ giữa năm 2022, ngành vận tải biển “đảo chiều” mạnh, giá cước vận chuyển giảm sâu trở về thời điểm trước đại dịch, từ thiếu vỏ rỗng container để chở hàng, thì cả thế giới dư thừa hơn 6 triệu TEU. Điều đó báo hiệu một năm rất khó khăn cho ngành dịch vụ logistics.
Nắm giữ gần 8.800 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng
Tổng tài sản của Vinalines tại ngày 31/3/2023 không thay đổi nhiều so với đầu năm, ở mức 26.979 tỷ đồng. Trong đó, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng lên tới 8.758 tỷ, chiếm gần 1/3 tổng tài sản. Quý I/2023, tổng công ty thu về 93 tỷ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Trong khi đó, tổng công ty đi vay 3.455 tỷ đồng từ các ngân hàng, vay ODA và từ các tổ chức tài chính, chiếm 28% tổng nợ phải trả. Ba tháng đầu năm, công ty phải trả 73 tỷ đồng cho chi phí lãi vay, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Vinalines còn ghi nhận chi phí lãi vay phải trả ngắn hạn gần 2.107 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vinalines cũng đang rót 1.959 tỷ đồng đầu tư vào 45 công ty liên doanh, liên kết, đơn vị khác. Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra tháng 4, lãnh đạo Vinalines cho biết năm nay, công ty sẽ thoái vốn tại ba doanh nghiệp gồm: CTCP Vận tải Biển Hải Hải Âu (26,46% vốn); CTCP Hàng hải Sài Gòn (10,15% vốn); Công ty TNHH Vận tải Hàng công nghệ cao (56% vốn) với tổng giá trị dự kiến thu về là hơn 43 tỷ đồng.
Cuối quý I, Vinalines ghi nhận 1.041 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tập trung hai dự án là Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và Nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn.
Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 14.472 tỷ đồng trong đó quỹ đầu tư phát triển là 1.586 tỷ. Công ty vẫn đang còn lỗ lũy kế gần 394 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 653 tỷ đồng ngày đầu năm. Số lỗ lũy kế này là những hệ lụy của thập kỉ trước như mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng vội vàng - ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc,...