Vinalines ước lãi hơn 1.400 tỷ đồng nửa đầu năm
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) vừa công kết quả 6 tháng đầu năm với doanh thu hợp nhất ước đạt 7.263 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.441 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy ước tính trong quý II, Vinalines ghi nhận doanh thu gần 4.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 667 tỷ, lần lượt tăng 17% và giảm 20% so với quý II năm ngoái.
Năm nay, Vinalines đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi với doanh thu kỳ vọng 12.511 tỷ đồng, giảm 13% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế 2.518 tỷ đồng, giảm 31%. Với kết quả trên, tổng công ty đã thực hiện được 57% - 58% kế hoạch cả năm.
Năm 2022 Vinalines dự kiến có kết quả kinh doanh đi lùi do công ty con là CTCP Đại lý Hàng hải Việt Nam (VSA) sẽ giảm mạnh hoạt động đại lý vận tải hàng không vì có biên lợi nhuận thấp, đồng thời Vinalines cũng dự báo cước vận tải biển năm 2022 sẽ giảm. Ngoài ra, Công ty VIMC Logistics cũng sẽ bị giảm doanh thu thu hộ trả hộ từ hoạt động đại lý hãng tàu,...
Vinalines dự kiến lợi nhuận của khối vận tải biển và dịch vụ hàng hải năm nay đều có sự tăng trưởng so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận khối cảng biển sẽ giảm mạnh do trong năm 2021, lợi nhuận hợp nhất Cảng Sài Gòn ghi nhận khoản bất thường khoảng 484 tỷ đồng từ khoản cơ cấu khoản nợ vay của Cảng Container Quốc Tế SP-PSA. Đồng thời, lợi nhuận Cảng Quy Nhơn trong năm 2022 cũng có khả năng giảm 220 tỷ đồng do không còn mặt hàng thiết bị điện gió.
Thực tế thời gian qua giá cước tàu đã tăng phi mã 5 - 10 lần. Điển hình như cước tàu sang Mỹ tăng từ 2.000 USD/container (loại 40 feet) trước dịch lên 20.000 USD/container.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu trả lời với báo chí trong cuộc báo thường kỳ Bộ Công Thương hôm 16/6 cho rằng từ nay đến cuối năm giá cước có thể sẽ hạ nhiệt nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng Trung Quốc vẫn là một “biến số” chưa thể đoán định trước vì nước này vẫn theo đuổi chính sách Zero COVID. Trung Quốc sở hữu rất nhiều cảng lớn, trong đó có cảng Thượng Hải, thuộc top 10 các cảng quy mô lớn nhất giới. Đây là nơi có lưu lượng hàng hoá khổng lồ, do đó việc đóng cửa thời gian qua gây ra những đứt đoạn về chuỗi cung ứng.
“Mặc dù Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại nhưng cũng chỉ giải quyết một phần ách tách và cần thời gian để khôi phục hoàn toàn”, ông Hải nói.