|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành cảng biển, vận tải biển vẫn lãi lớn quý III nhờ bệ đỡ từ giá cước tàu và sản lượng hàng hóa thông quan

07:55 | 10/11/2022
Chia sẻ
Trong khi nhóm vận hành cảng biển có sự phân hóa kết quả kinh doanh quý III giữa các khu vực, những doanh nghiệp vận tải biển vẫn lãi lớn khi tiếp tục hưởng lợi từ giá cước vận chuyển giữ ở mức cao so với cùng kỳ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý III/2022 đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II trước đó. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 282 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Riêng hàng hóa thông qua cảng biển tăng 3%.

Nhóm vận hành cảng biển: Duy trì mức tăng trưởng

Thống kê sơ bộ một số đơn vị vận hàng khai thác cảng biển trên cả nước cho thấy hầu hết tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu như quý II, tuy nhiên mức tăng không quá đột biến.

Quý III, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN), đơn vị sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước ghi nhận doanh thu thuần 3.822 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động vận tải với 1.595 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ, chiếm 42% doanh thu thuần). Hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải giảm 16% so với cùng kỳ, chiếm 47% doanh thu thuần. 

CTCP Gemadept (Mã: GMD) cũng ghi nhận sự khả quan đến từ hoạt động khai thác cảng với biên lãi gộp đạt 40,5%, cải thiện so với con số 36,1% của quý III/2021. Doanh thu thuần tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái lên 992 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 77%, đạt 287 tỷ đồng. Dù vậy, mức lợi nhuận này của Gemadept đã giảm tốc so với hai quý đầu năm.

Nhóm cảng ở phía Bắc như Cảng Hải Phòng (Mã: PHP), Cảng Đình Vũ (Mã: DVP) báo doanh thu tăng trưởng 7% so sản lượng hàng hóa thông qua cảng đi lên so với cùng kỳ. Riêng với Cảng Hải Phòng, lợi nhuận sau thuế cải thiện 21% lên 181 tỷ đồng, một phần nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng do tỷ giá đồng yen Nhật xuống thấp, làm tăng lãi chênh lệch tỷ giá.

Cảng Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý III tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Tại khu vực miền trung, hai cụm cảng lớn là Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN)Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) có kết quả trái chiều.

Trong khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Cảng Đà Nẵng đồng loạt tăng 14% nhờ sản lượng hàng hóa thông cảng cải thiện, Cảng Quy Nhơn báo lãi giảm 76% còn 33 tỷ đồng, do doanh thu khai thác cảng giảm mạnh và giá nguyên nhiên vật liệu cũng như tiền thuê đất tăng khiến giá vốn bị đội lên.

Tại khu vực phía Nam, doanh thu thuần của Cảng Đồng Nai (Mã: PDN) tích cực hơn cùng kỳ do TP HCM triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Cảng Đồng Nai khai thác tốt tuyến dịch vụ trung chuyển hàng hóa bằng sà lan về các cảng Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu). Sản lượng ngành hàng container tăng cao dẫn đến doanh thu quý III của Cảng Đồng Nai tăng hơn 31% so cùng kỳ. 

Ngược lại, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) đi lùi. Bên cạnh nguyên nhân sản lượng hàng hóa thông cảng đi xuống, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm sút trong khi chi phí tài chính tăng cũng là yếu tố kéo lợi nhuận sau thuế của Cảng Sài Gòn sụt giảm 48% về 30 tỷ đồng.

 

Nhóm vận tải biển: Đã qua đỉnh lợi nhuận

Trong khi nhóm cảng biển có sự phân hóa kết quả giữa các khu vực, những doanh nghiệp vận tải biển vẫn giữ được phong độ khi tiếp tục hưởng lợi từ giá cước vận chuyển giữ ở mức cao so với cùng kỳ.

Quý III, doanh thu thuần của Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đạt 778 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng, lần lượt tăng 64% và tăng 172% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 29,4% quý III//2021 lên 48,4%. So với mức đỉnh quý II, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III của HAH giảm lần lượt 16% và 15%.

Thực tế cho thấy quý III, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HAH đã giảm so với mức đỉnh của quý II. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp vẫn nhỉnh hơn quý trước đó do các hợp đồng cho thuê tàu của công ty được ký với thời hạn từ 1 đến 2 năm, đảm bảo được kết quả kinh doanh khả quan trong ngắn hạn trong bối cảnh giá cước đã giảm mạnh so với đầu năm. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của HAH). 

Dù doanh thu tăng trưởng song cả CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) và CTCP Vận tải biển Vinaship (Mã: VNA) đều ghi nhận lợi nhuận giảm lần lượt 17% và 7% so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần quý vừa rồi của Vosco tăng 85% so với cùng kỳ, 9 tháng tăng 87%. Lãnh đạo Vosco cho biết 9 tháng qua, thị trường vận tải biển có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng nhìn chung mặt bằng cước vẫn duy trì ở mức tốt.

Theo dữ liệu từ Freightos, một trong những nền tảng đặt chỗ vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, chỉ số vận tải container toàn cầu tại cuối quý III ở mức 4.060 USD, giảm 57% so với ngày đầu năm. Tuy vậy, mức này vẫn còn cao gấp đôi so với trung bình 1.800 - 2.000 USD cùng kỳ năm 2020.

Trong sự kiện diễn ra cuối tháng 9, lãnh đạo Gemadept đánh giá hai năm qua vừa qua, lợi nhuận của các công ty vận tải biển đã đạt đỉnh, bằng kết quả của nhiều năm trước cộng lại. Do đó trong thời gian tới khi suy thoái toàn cầu diễn ra, lợi nhuận của các công ty vận tải biển sẽ giảm từ từ.

Lãnh đạo Gemadept đánh giá lợi nhuận của nhóm vận tải biển đã đạt đỉnh, trong khi nhóm khai thác cảng biển vẫn còn triển vọng khi phụ thuộc vào sản lượng hàng hóa thông quan.

Ngành vận tải biển, cảng biển có thể suy giảm trong vài quý tới

Nhiều chuyên gia cũng nhận định tương tự khi mùa cao điểm vận tải biển thường thấy hàng năm có khả năng sẽ không xảy ra trong năm nay do hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Bên cạnh thách thức giảm cầu, hoạt động khai thác của các doanh nghiệp vận tải, cảng biển còn đối mặt với dự báo cước vận tải hạ nhiệt những tháng cuối năm. 

Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) ước tính, từ nay đến quý I/2023, giá cước vận tải quốc tế tiếp tục giảm 10% -12% do hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chậm lại từ mức nền hàng tồn kho cao trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, cùng với đó lạm phát tăng cao. Giá cước nội địa cũng chịu áp lực giảm, với biên độ dao động khoảng 5% do nguồn cung các phương tiện vận tải biển hồi phục chậm. 

Ngược lại, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, dù hoạt động giao thương qua container có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, triển vọng đối với ngành vận tải, cảng biển được dự báo khả quan trong dài hạn. Dự báo này dựa trên nguồn cung container tăng mạnh trong năm 2023 - 2024, giãn cách xã hội được nới lỏng và cải thiện trong xung đột địa chính trị trên thế giới.

Minh Hằng