|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ngành chứng khoán còn dư địa cho vay margin thêm gần 12 tỷ USD, thực trạng tại các đơn vị đang ra sao?

05:50 | 31/01/2024
Chia sẻ
Tỷ lệ dư nợ margin trên VCSH tại cuối 2023 của ngành chứng khoán đạt gần 73%, cao hơn đáng kể so với cuối năm 2022 (57%) song vẫn thấp hơn giai đỉnh lịch sử khi VN-Index quanh 1.500 điểm. Dư địa cho vay margin toàn ngành ước tính đạt khoảng 12 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước nhiều yếu tố hỗ trợ cho một kỳ vọng tăng trưởng khả quan năm 2024. Không những vậy, trong kịch bản tích cực nhất được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, thị trường sẽ đón nhận dòng vốn khổng lồ hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài, cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.

Khi nhu cầu sử dụng đòn bẩy cho vay ký quỹ (margin) tăng cao, đòi hỏi công ty chứng khoán (CTCK) phải có sự chuẩn bị cần thiết để đáp ứng.

Theo dữ liệu WiChart, dư nợ margin của 76 CTCK tại cuối năm 2023 xấp xỉ 168.300 tỷ đồng (khoảng 6,9 tỷ USD). Con số này tăng 9% so với cuối quý III/2023 và 46% so với cuối năm 2022.

Dư nợ margin đã có xu hướng tiến dần đến với thời điểm đỉnh lịch sử vào cuối quý IV/2021 (khoảng 170.000 tỷ đồng) và quý I/2022 (khoảng 180.000 tỷ đồng).

Trong khi đó, tổng vốn chủ sở hữu (VCSH) tại thời điểm cuối năm 2023 đạt gần 232.000 tỷ đồng. Con số này tăng gần 3.500 tỷ đồng, tương đương 1,5% so với cuối tháng 9/2023. So với thời điểm cuối năm 2022, VCSH đã tăng thêm 28.000 tỷ đồng, tương đương với gần 14%.

Tỷ lệ dư nợ margin trên VCSH tại cuối 2023 của 76 CTCK đạt gần 73%, cao hơn so với cuối quý III/2023 (68%) cũng như cuối năm 2022 (57%). Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần từ những tháng đầu đến cuối năm 2023. Tuy vậy, con số vẫn thấp hơn giai đoạn đỉnh lịch sử của thị trường, từ quý IV/2021 đến quý I/2022 (quanh 110%).

Tương quan dư nợ cho vay margin và VCSH của 76 CTCK hàng đầu. Nguồn: X.N tổng hợp từ dữ liệu WiChart. Đơn vị: Tỷ đồng,%.

VCSH có xu hướng tăng dần theo thời gian, con số hiện tại (cuối năm 2023) đạt cao nhất với gần 232.000 tỷ đồng. Theo quy định, công ty chứng khoán (CTCK) không được cho vay margin quá 2 lần (200%) VCSH. Như vậy, dư địa cho vay vẫn còn xấp xỉ 295.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 12 tỷ USD.

Trong nhóm dẫn đầu về margin, TCBS đang có dư nợ cho vay trên 16.000 tỷ đồng tại cuối 2023. Sau khi được bổ sung vốn mạnh mẽ vào 2023 từ chào bán cho Techcombank, VCSH đơn vị này đã nâng lên trên 23.600 tỷ đồng, vươn lên cao nhất ngành. Tỷ lệ dư nợ margin/VCSH của TCBS hiện đạt 69%. Tỷ lệ của hai ông lớn SSI và VNDirect thấp hơn, ở mức 60-65%.

Có tỷ lệ nhỏ nhất top 10 margin là VPBankS với 43%. Sau đợt tăng vốn mạnh vào 2022, VPBankS hiện có vốn điều lệ 16.445 tỷ đồng, song dư nợ vay margin chỉ trên 7.000 tỷ đồng, dư địa đến tối đa vẫn còn đến 25.800 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, Vietcap, KIS Việt Nam, VPS, Mirae Asset Việt Nam, HSC, MBS đang có tỷ lệ cho vay/VCSH vượt 100%. Trong đó, MBS đang cho vay margin trên 8.500 tỷ đồng, trong khi VCSH là 5.038 tỷ đồng, tỷ lệ dư nợ/VCSH đạt 169%, cao nhất trong top 10 công ty chứng khoán có dư nợ lớn nhất.

Tương quan dư nợ cho vay margin và VCSH của 10 CTCK lớn. Nguồn: X.N tổng hợp từ dữ liệu WiChart. Đơn vị: Tỷ đồng, %.

Ngoài nhóm nêu trên, các đơn vị khác trong ngành cũng đang có tỷ lệ dư nợ margin/VCSH cao tại cuối năm 2023 kể đến như Maybank Investment Bank (137%), Phú Hưng (179%), BVSC (117%), SSV (135%) hay PSI (117%). Việc tỷ lệ cao sẽ làm hạn chế khả năng cho vay margin sau này, nếu CTCK không tiếp tục tăng vốn. 

Ví dụ, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) ghi nhận tỷ lệ trung bình cuối 4 quý trong năm 2023 đạt 170%. Trong quá khứ, đơn vị này thậm chí từng nhiều lần đưa tỷ lệ vượt mốc 190%, cao nhất đạt 199,6% tại 31/3/2017 - đồng nghĩa với không thể tăng cho vay margin.

Ở chiều ngược lại, cùng với VPBankS, các đơn vị hiện (cuối 2023) có tỷ lệ dư nợ margin/VCSH dưới 50% kể đến như ABS (49%), VFS (47%), VSEC (47%), DAS (44%), IVS (44%), TPS (41%), HAC (38%), SHS (36%), VIX (34%)... Thậm chí, có những CTCK chỉ có tỷ lệ dưới 5% như Chứng khoán Trí Việt, JSI, DVSC, BMSC, NVS, CSI, IRS, SmartSc, SBSI, HDBS...

Trên lý thuyết, những đơn vị có tỷ lệ dư nợ margin/VCSH thấp càng có lợi thế dư địa cho vay margin vẫn còn nhiều (so với khả năng của đơn vị đó). Tuy nhiên, diễn biến này kéo dài cũng cho thấy có thể công ty chưa chú trọng hoạt động cho vay margin, hoặc kém sức cạnh tranh trong ngành do nguồn lực tài chính.

Hoạt động tăng vốn ngành chứng khoán vẫn sôi động

Hoạt động tăng vốn tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian những tháng gần đây. Với việc tăng vốn, các CTCK có thêm nguồn lực cho hoạt động kinh doanh, bao gồm nghiệp vụ cho vay margin.

Mới nhất, ACBS và HSC dự kiến nâng vốn lên 7.000 tỷ đồng và 7.552 tỷ đồng. Thêm vào đó, sau nhiều năm ngành chứng khoán vắng bóng IPO, một đợt vị vừa thực hiện hoạt động này là DNSE, với khối lượng 30 triệu cổ phần, tăng vốn điều lệ lên thành 3.300 tỷ đồng. Ngoài ra, loạt CTCK như TPS, LVS, VFS, KAFI, ASAM, GTJS... cũng đã chuẩn bị sẵn phương án tăng vốn. 

  Top 15 vốn điều lệ ngành chứng khoán sau các phương án tăng vốn (dự kiến). Nguồn: X.N tổng hợp từ công bố của các CTCK. Đơn vị: Tỷ đồng. 

Tại báo cáo chiến lược 2024, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định thị trường chứng khoán biến động theo hướng tiêu cực trong 2022 cùng với việc tăng vốn liên tục khiến cho hiệu quả hoạt động trên vốn chủ sở hữu của các CTCK phần nào bị ảnh hưởng.

Chỉ số ROE trung bình tính đến 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 7,7%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2020-2021 và là mức thấp nhất kể từ 2014. Nhóm phân tích KBSV cho rằng cần 2-3 năm khi thanh khoản thị trường được cải thiện và các CTCK đa dạng hóa các mảng kinh doanh, tận dụng tốt hơn phần nguồn vốn tăng thêm để các chỉ số hiệu quả hoạt động cao trở lại như trước.

Xuân Nghĩa