|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia VinaCapital nêu lý do dòng tiền ngoại sẽ trở lại Việt Nam

07:54 | 09/10/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia của VinaCapital, chứng khoán Việt Nam hiện hữu nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho giai đoạn 12 tháng tới như chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, triển vọng nâng hạng thị trường... Song, thị trường cũng đang còn tiềm ẩn một số rủi ro.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư năm 2024 tổ chức ngày 8/10, ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, chia sẻ: “Thế giới đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong năm qua. Những căng thẳng địa chính trị gia tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn vẫn còn bất ổn.

Tuy nhiên, sự bền bỉ, lạc quan, quyết tâm tiến về phía trước và phát triển bền vững của Việt Nam vẫn tiếp tục mang đến cho các nhà đầu tư quốc tế nhiều cơ hội hấp dẫn”.

Ông Don Lam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đến hội nghị bao gồm cả nhà đầu tư gián tiếp và nhà đầu tư trực tiếp. Nhà đầu tư ngoại quan tâm về các lĩnh vực xanh, sạch như năng lượng và phát triển chip, bán dẫn của Việt Nam.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital. (Ảnh: VinaCapital).

Nói về tổng quan nền kinh tế Việt Nam, ông Alex Hambly, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital, đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, dự báo đạt 6,5% trong năm 2024 và 2025. Tỷ giá kỳ vọng ổn định, USD/VND không biến động quá 2%/năm.

Triển vọng kiểm soát lạm phát tốt, do giá dầu và giá thực phẩm giảm. Bất động sản dần phục hồi, với dấu hiệu giá trị giao dịch tăng 30% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm.

Song song đó là chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục. Lượng khách du lịch vào Việt Nam tăng tăng mạnh trong 2024, nhờ nhóm Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Trong dài hạn, ông nêu ba động lực tăng trưởng chính của Việt Nam có liên hệ mật thiết với nhau gồm: công nghiệp hóa được hỗ trợ bởi FDI, tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng và làn sóng dịch chuyển sản xuất.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán của VinaCapital, đánh giá việc Fed cắt giảm lãi suất tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá. Chính sách tiền tệ đang nới lỏng, lãi suất tiết kiệm trung bình 12 tháng đang ở mức 5%/năm song theo bà Thu vẫn có thể cắt giảm hơn nữa.

“Fed dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất vài lần nữa trong năm sẽ tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất”, bà Thu nói.

Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp tăng cường tính minh bạch của hệ thống và đồng bộ tốt hơn với Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai.

Một điểm quan trọng với thị trường chứng khoán là gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước giao dịch (Non Pre-funding), hướng tới thành lập hệ thống Bù trừ Trung tâm (CCP) giúp cải thiện việc tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nâng hạng.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công đang được trình sẽ giúp tháo gỡ một số vướng mắc, đẩy mạnh quy trình pháp lý cho cơ sở hạ tầng, mở rộng cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy trưởng kinh tế trong những năm tới.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán của VinaCapital. (Ảnh: VinaCapital).

Theo phân tích của VinaCapital, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 18,3%, trong đó tăng lợi nhuận cốt lõi là 11,5%. Đây cũng là con số tăng trưởng vượt trội so với các thị trường xung quanh, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Tăng trưởng dự kiến đến từ nhiều nhóm ngành, chủ yếu dao động từ 12,5 - 25%, riêng bất động sản có mức tăng cao hơn khi so với nền thấp trước đó. Chỉ tiêu ROE năm 2023-2024 ở 13-14% có thể tăng lên 16% năm 2025. Mức này hấp dẫn so với các thị trường trong ASEAN và xấp xỉ với Ấn Độ hay Đài Loan (Trung Quốc).

Về định giá, P/E dự phóng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 ở mức 10,1 lần. Theo bà Thu, đây là mức rẻ hơn nhiều so với trung bình 10 năm khoảng 14 lần.

Nói về triển vọng nâng hạng, bà Thu đánh giá Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi năm 2025 và qua năm 2026 sẽ chính thức có hiệu lực.

“Với những yếu tố tích cực như vậy, VinaCapital cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại, và thị trường chứng khoán sẽ phát triển khả quan trong 12 tháng tới, dựa trên tăng trưởng lợi nhuận kéo theo tăng trưởng thị trường chứng khoán”, bà Thu nhận định.

Nhắc lại vấn đề nhà đầu tư nước ngoài bán ròng từ đầu năm, đại diện VinaCapital lý giải việc Fed duy trì lãi suất cao những năm qua, nên nhà đầu tư ngoại rút ra khỏi các nước mới nổi/cận biên là điều tất yếu và xảy ra trên diện rộng.

Từ 6 - 12 tháng gần đây, cổ phiếu công nghệ, tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… hút tiền. Do đó, dòng tiền ngoại Việt Nam bị rút ròng, hoặc dòng tiền quay về những thị trường có cổ phiếu công nghệ.

Những ngày đầu tháng 10 đã chứng kiến tín hiệu khả quan khi Việt Nam hút tiền. VinaCapital tin rằng dòng tiền ngoại sẽ quay trở lại, vì bức tranh lợi nhuận và đón đầu việc nâng hạng thị trường Việt Nam.

Dù hiện hữu loạt yếu tố tích cực nêu trên, vị chuyên gia cũng cảnh báo thị trường đang còn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nhà đầu tư cần phải cân nhắc.

Trên thế giới, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại. Trung Quốc dư thừa hàng hóa dẫn đến có thể mang đi bán rẻ trên thế giới, bao gồm các thị trường xung quanh. Mặt khác, rủi ro địa chính trị ngày càng leo thang, gây quan ngại cho nhà đầu tư, cũng như có thể ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa đường biển.

Về trong nước, nhu cầu tiêu dùng nội địa có thể không được như kỳ vọng. Thị trường bất động sản được dự báo hồi phục trong năm 2025 nhưng vẫn có nhiều bất định. Lạm phát cao hơn có thể gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với các yếu tố trên, trì hoãn của FTSE (nếu có) trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư.

Xuân Nghĩa

Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, để hoàn thành tất cả các mục tiêu của năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP, nếu quý IV đạt khoảng 7,5% thì cả năm sẽ đạt hơn 7%, gần gấp đôi so với mức trung bình của ASEAN và thế giới.