|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nga chuẩn bị tung ra loại vắc xin COVID-19 thứ hai

05:00 | 18/08/2020
Chia sẻ
Đây là loại vắc xin COVID-19 mới do Trung tâm Nghiên cứu virus và Công nghệ Sinh học quốc gia Vector của Nga phát triển, kì vọng có thể đưa vào sản xuất trong tháng 11 sau khi hoàn tất các thử nghiệm cần thiết.

Theo đưa tin từ hãng thông tấn Tass (Nga), Trung tâm Nghiên cứu virus và Công nghệ Sinh học quốc gia Vector cho biết đang bắt đầu giai đoạn thứ hai trong phần nghiên cứu lâm sàng về một loại vắc xin ngừa COVID-19 mới lên 86 tình nguyện viên. 

Đây là loại vắc xin thứ hai được Nga phát triển nhằm phòng ngừa dịch COVID-19 đạt được kết quả khả quan.

Bà Anna Popova, lãnh đạo trung tâm nghiên cứu này cho biết: "Thử nghiệm lâm sàng (giai đoạn hai) đã bắt đầu, tất cả tình nguyện viên được lựa chọn tiêm thử nghiệm đều cảm thấy khỏe mạnh. Họ chưa gặp phải phản ứng phụ nào, thậm chí không có ai bị sưng đỏ ở vết tiêm".

Trả lời câu hỏi về sự khác biệt giữa vắc xin Sputnik V được cấp phép mới đây và loại vắc xin mới do trung tâm Vector phát triển, bà Popova cho rằng Nga cần có vài mẫu vắc xin ngừa COVID-19 khác nhau. 

Bộ Y tế Nga đã cho phép thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 do trung tâm Vector điều chế vào ngày 24/7. Lãnh đạo trung tâm kì vọng đưa loại vắc xin này vào sản xuất trong tháng 11 sau khi hoàn tất các thử nghiệm cần thiết.

Trước đó, ngày 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới đăng kí loại vắc xin chống lại virus COVID-19 có tên Sputnik V do Viện Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya về Dịch tễ học và Vi sinh vật thuộc Bộ Y tế Nga phát triển.

Vắc xin Sputnik V đã vượt qua các thử nghiệm lâm sàng trong hai tháng. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trên thế giới đưa ra cảnh báo khó có thể tin tưởng vào loại vắc xin này khi không có dữ liệu thử nghiệm đầy đủ. 

Ngay sau khi giới chức nước này cho phép sử dụng Sputnik V, Nga đã nhận được đơn đặt hàng hơn 1 tỉ liều vắc xin này từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Thu Thủy

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.