|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế Mỹ bất ngờ ghi nhận tăng trưởng âm

21:59 | 28/04/2022
Chia sẻ
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ bất ngờ giảm 1,4% trong quý I năm nay (tốc độ đã chuẩn hóa theo năm), đánh dấu một sự đảo ngược so với số liệu kinh tế khả quan của năm ngoái.

Kinh tế Mỹ bất ngờ đi xuống

Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/4, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bất ngờ giảm 1,4% trong quý I năm nay, tính tỷ lệ được chuẩn hóa theo năm. Mức tăng trưởng âm này thậm chí còn vượt qua dự báo ảm đảm của Dow Jones trước đó, rằng kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong quý đầu năm nay.

Theo CNBC, có rất nhiều yếu tố đã ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ba tháng đầu năm 2022 để từ đó khiến nền kinh tế lao dốc sau mức tăng trưởng 6,9% trong quý cuối cùng của năm ngoái.

Ông Simona Mocuta, kinh tế trưởng tại hãng tư vấn State Street Global Advisors, bình luận: “Nhìn lại, đây có thể là một bản báo cáo quan trọng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tăng trưởng từng rất tích cực, nhưng mọi thứ đang thay đổi và số liệu sẽ không còn đẹp như vậy trong tương lai”.

 

Bất chấp con số đáng thất vọng, thị trường dường như không quan tâm mấy đến bản báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ khi mà hợp đồng tương lai chứng khoán đang hướng đến mức cao mới. Mức giảm của một số chỉ số có khả năng đảo ngược vào cuối năm, làm dấy lên hy vọng rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái.

Làn sóng Omicron hồi đầu năm đã cản trở hoạt động kinh tế trên diện rộng, trong khi lạm phát tăng cao ở mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980 và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cũng góp phần khiến nền kinh tế Mỹ sa sút.

Theo bản báo cáo, tăng trưởng GDP quý I đi xuống chủ yếu là do hoạt động đầu tư vốn để xây dựng tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp chững lại. Điều này từng giúp thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021.

Các vấn đề khác liên quan đến xuất khẩu, chi tiêu của chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương cũng như nhập khẩu hàng hóa cũng làm cho tăng trưởng kinh tế ba tháng đầu năm giảm tốc. Mức giảm 8,5% trong chi tiêu quốc phòng là một lực cản cụ thể, khiến số liệu GDP mất một phần ba điểm %, CNBC ví dụ.

Chi tiêu tiêu dùng tăng khá tốt trong quý I, nhích thêm 2,7%. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại ngày càng phình to đã khiến tăng giảm giảm 3,2 điểm % do nhập khẩu vượt xa xuất khẩu.

“Đây là những xôn xao trong nền kinh tế, chứ không phải dấu hiệu cảnh báo gì. Nền kinh tế Mỹ không phải đang rơi vào suy thoái”, ông Ian Shepherdson - nhà kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu Pantheon Macroeconomics, nhấn mạnh.

“Số liệu thương mại ròng bị ảnh hưởng bởi kim ngạch nhập khẩu tăng, đặc biệt là hàng tiêu dùng, vì các nhà bán lẻ lẫn bán sỉ đã tìm cách xây dựng lại tồn kho. Xu hướng này không thể kéo dài lâu, nhập khẩu sẽ giảm và cán cân thương mại sẽ trở lại thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý II hoặc quý III”, vị chuyên gia giải thích thêm.

Nền kinh tế Mỹ đột ngột tăng trưởng âm trong quý I năm nay. (Ảnh minh họa: Financial Times).

Con đường tăng lãi suất của Fed

Mặc dù kỳ vọng của Phố Wall về nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái vẫn ở mức thấp, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ gặp thách thức. Trong một nỗ lực giàm ghìm cương lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất và điều này có thể làm chậm tăng trưởng hơn nữa.

Một thước đo lạm phát yêu thích của Fed đã tăng 5,2% trong quý I, cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Thị trường hiện tin tưởng Fed sẽ đưa lãi suất chuẩn lên ngưỡng 2,75% vào cuối năm nay, sau hai năm duy trì lãi suất gần mức 0.

 

Cùng với đó, Fed sẽ tạm dừng chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng, vốn nhằm mục đích giữ lãi suất ở mức thấp và cho phép dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Fed có thể sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán 9.000 tỷ USD ngay tháng 5 tới, dự kiến mỗi tháng giảm 95 tỷ USD.

Dù các nhà kinh tế nhìn chung vẫn hy vọng Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái sâu rộng, rủi ro đang gia tăng. Goldman Sachs nhận thấy xác suất Mỹ tăng trưởng âm trong một năm kể từ giờ là khoảng 35%.

Trong một dự báo có phần lạc lõng trên Phố Wall, Deutsche Bank cho biết nền kinh tế Mỹ có nguy cơ “suy thoái đáng kể” trong cuối năm 2023 và 2024. Đây là hệ quả của việc Fed thắt chặt chính sách quá mức để hạ nhiệt lạm phát.

Số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ xuất hiện sau khi GDP của siêu cường số một thế giới tăng trưởng với tốc độ 5,7% trong năm 2021, nhanh nhất kể từ năm 1984. Duy trì đà tăng trưởng đó trong năm nay đòi hỏi chính phủ các nước phải giải tỏa được những nút thắt trong chuỗi cung ứng và tìm ra một giải pháp cho cuộc chiến tại Ukraine.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.