|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ bắt đầu mơ về ‘chiến thắng’ trong cuộc chiến ở Ukraine

15:42 | 26/04/2022
Chia sẻ
Chuyến thăm Ukraine của hai bộ trưởng Mỹ cho thấy sự thay đổi trong tham vọng của Nhà Trắng: Từ trừng phạt nền kinh tế Nga cho đến khiến quân đội Nga suy yếu đến độ không thể tranh giành lãnh thổ của nước khác trong tương lai.

Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin , Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Getty Images). 

Mỹ thay đổi

Chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (Ngoại trưởng) Antony Blinken ngày 25/4 không đem lại hòa bình cho Ukraine, nhưng mang đến hy vọng rằng đất nước Đông Âu có thể thoát khỏi thảm cảnh.

Ngoại trưởng Blinken tuyên bố: “Chúng tôi không biết sắp tới cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng chúng tôi biết rằng một Ukraine độc lập, tự chủ sẽ tồn tại lâu hơn là thời gian Vladimir Putin cầm quyền”.

Quan chức Mỹ không phải là những người đầu tiên đến thăm Kiev trong thời bom đạn. Trước đó, nhiều lãnh đạo của các quốc gia khác đã đến gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Phái đoàn của Mỹ cũng không phải những người khoa trương nhất, họ không đi dạo ngẫu hứng trong thành phố như những gì Thủ tướng Anh Boris Johnson làm vào ngày 9/4.

Tuy nhiên, chuyến đi của hai bộ trưởng Mỹ có lẽ mang ý nghĩa lớn nhất. Mỹ cung cấp hỗ trợ quân sự và dân sự cho Ukraine nhiều hơn mọi quốc gia khác cộng lại. Ở chuyến thăm lần này, hai ông Blinken và Austin còn công bố khoản tài trợ 713 triệu USD bổ sung để mua vũ khí cho Ukraine và các nước đồng minh.

Tuy nhiên, điều còn đáng chú ý hơn nữa là thái độ khác lạ của Mỹ. Bình luận của các bộ trưởng cho thấy Mỹ đang ấp ủ một ý tưởng mới: Ukraine không chỉ có khả năng sống sót mà còn chiến thắng trước Nga.

Bộ trưởng Austin tuyên bố: “Ukraine có tâm thế muốn chiến thắng, còn Mỹ muốn giúp Ukraine giành chiến thắng, và chúng tôi sẽ làm điều đó”.

Để đạt được mục đích trên, ngày 26/4, Mỹ sẽ triệu tập cuộc họp tại Đức với hơn 40 quốc gia thân thiện, bao gồm các đồng minh NATO và cả các đối tác ở châu Á, Đông Âu và châu Phi – để thể hiện sự đoàn kết với Ukraine và phối hợp hỗ trợ cho nước này. Các quốc gia thân thiện trải dài từ Morocco cho tới New Zealand và gồm cả những nước đang ngần ngại trong việc chỉ trích Nga như Israel.

Điều quan trọng không kém là có vẻ chính quyền Tổng thống Biden đã chắc chắn hơn về kết cục chiến sự tại Ukraine. Ban đầu, khi quân đội Nga tập hợp, mục tiêu của Mỹ có vẻ chỉ giới hạn trong việc gia tăng thiệt hại cho Moscow bằng cách cho Ukraine một số vũ khí phòng thủ và trừng phạt kinh tế vào Nga.

Khi Ukraine thể hiện năng lực chiến đấu đáng chú ý, mục tiêu chuyển sang cứu Kiev. Phe chỉ trích chê rằng Tổng thống Mỹ “yếu đuối”. Song, ông Biden khẳng định sẽ không bị kéo vào “chiến tranh thế giới thứ ba” do lo ngại Moscow leo thang hạt nhân. Giới quan chức Ukraine thì nghi ngờ Mỹ chỉ cố gây đau đớn cho Nga và để mặc Ukraine bị tàn phá.

Nhưng giờ chính quyền Biden có vẻ đã bớt lo lắng về rủi ro – và thậm chí có thể đang nâng cao tham vọng. Bộ trưởng Austin, người thường trầm lặng, tự tin khẳng định: “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức độ không thể lặp lại những hành động đã thực hiện khi tấn công Ukraine. Nga đã tổn thất rất nhiều năng lực quân sự, nói thẳng ra là đã mất rất nhiều binh sĩ. Và chúng tôi muốn thấy Nga sa sút đến mức khó có thể nhanh chóng gầy dựng lại năng lực quân sự”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace ra ước tính rằng khoảng 15.000 lính Nga đã thiệt mạng trong hai tháng chiến sự. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã chuyển sang cung cấp nhiều vũ khí tấn công cho Ukraine hơn – không chỉ là vũ khí chống tăng mà giờ là xe tăng và pháo bức kích; không chỉ tên lửa phòng không mà còn cả các bộ phận của máy bay chiến đấu (và có lẽ sắp tới là máy bay).

Cái kết của cuộc chiến

Nhưng trước khi nghĩ về chiến thắng, Ukraine phải trụ vững qua đợt tấn công kế tiếp. Tờ Economist cho biết sau khi từ bỏ ý định chiếm Kiev, Nga đã tập trung binh lực ở miền đông và miền nam với hy vọng sẽ giành được một phần lãnh thổ của Ukraine và có cơ sở để tuyên bố thắng lợi vào ngày 9/5.

Đây là dịp Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng, đánh dấu thời điểm Liên Xô đánh bại phát xít Đức. Tới ngày 24/4, lực lượng Nga tại khu vực Donbass đã có thêm tiến triển khi giành được các thị trấn nhỏ xung quanh Sievierodonetsk.

Tướng Nga Rustam Minnekayev, phó chỉ huy Quân khu Trung tâm Nga, được cho là đã khẳng định mục tiêu của Moscow là kiểm soát toàn bộ miền nam Ukraine. Điều này không chỉ tạo ra cho Nga hành lang trên bộ phía đông giữa bán đảo Crimea và Donbass, mà còn cả hành lang phía tây nối với Transnistria, khu vực ly khai của Moldova.

Để hoàn thành kế hoạch trên, Nga sẽ phải giành được thành phố Mariupol, nơi mà một nhóm binh sĩ Ukraine vẫn đang cố thủ tại nhà máy thép Azovstal. Nga cũng sẽ cần nắm trong tay Mykolaiv và Odessa, nhưng hai khu vực này có vẻ đang nằm ngoài tầm với của Nga.

Chiến sự Nga - Ukraine sẽ kết thúc như thế nào? Không ai biết chắc. Một số người châu Âu dự đoán hai bên sẽ bế tắc, sau đó là tiến hành đàm phán vào mùa hè và đạt được một thỏa thuận vào mùa thu, trước khi mùa đông tiếp theo bắt đầu.

Nhiều chuyên gia nhìn thấy sự lặp lại của “Cuộc chiến Mùa đông” 1939-1940, khi Phần Lan dũng cảm chống trả Liên Xô suốt vài tháng trời. Nhưng cuối cùng, Phần Lan vẫn phải nhượng lại một phần lãnh thổ cho Liên Xô. Và nhiều năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Phần Lan phải chấp nhận giữ vị thế trung lập.

Ông Dan Fried, thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: “Tôi từng nghĩ 'Chiến tranh Mùa đông' là kịch bản tốt nhất mà Ukraine có thể đạt được. Giờ tôi lại cho rằng đây là kết cục tốt nhất mà Nga có thể có. Một kịch bản khác có thể xảy ra: Sự thất bại của Đế quốc Nga trước Nhật Bản hồi năm 1905”.

Ông cho rằng nếu Ukraine bị tước mất một phần lãnh thổ (như Phần Lan) thì khoảng thời gian sau đó khó có thể là hòa bình ổn định mà là giai đoạn đình chiến vũ trang nguy hiểm.

Giang