|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt kỷ lục 2.100 tỷ USD: Nga chỉ xếp thứ 5

20:36 | 25/04/2022
Chia sẻ
Theo dữ liệu mới nhất được công bố bởi Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, tổng chi tiêu quốc phòng của toàn cầu tăng 0,7% trong năm 2021 và lần đầu tiên vượt 2.000 tỷ USD.

Tăng trong 7 năm liên tiếp

Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) chi ra rằng 5 quốc gia chi tiêu nhiều nhất là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Nga. Tổng cộng 5 quốc gia này chiếm tới 62% chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới.

Chi tiêu quốc phòng tiếp tục tăng trong năm 2021, đạt mức cao kỷ lục 2.113 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 7 tăng trưởng liên tục.

Dữ liệu năm 1991 của SIPRI bị khuyết.

Tiến sĩ Diego Lopes da Silva, một nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI cho biết: “Mặc dù chịu ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch COVID, chi tiêu quốc phòng toàn cầu vẫn đạt mức kỷ lục”.

"Tốc độ tăng trưởng trên thực tế đã chậm lại do lạm phát. Tuy nhiên, về danh nghĩa, chi tiêu quân sự đã tăng 6,1%”.

Do sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021, gánh nặng quân sự toàn cầu - tức là chi tiêu quân sự tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 0,1 điểm phần trăm, từ mức 2,3% của năm 2020 xuống còn 2,2% vào năm 2021.

Mức chi tiêu quốc phòng của Mỹ lớn hơn 4 quốc gia đứng sau cộng lại.

Nga chuẩn bị cho chiến dịch quân sự

Trong năm 2021, chi tiêu quốc phòng của Nga tăng 2,9%, đạt mức 65,9 tỷ USD khi đang chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Chi tiêu quốc phòng của Nga tăng trưởng trong ba năm liên tiếp và chiếm 4,1% GDP vào năm 2021.

Giám đốc Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quân sự của SIPRI, ông Lucie Béraud-Sudreau cho biết: “Doanh thu cao từ dầu mỏ và khí đốt đã giúp Nga tăng cường chi tiêu quốc phòng". 

“Trong giai đoạn từ 2016 đến 2019, chi tiêu quân sự của Nga giảm do giá năng lượng thấp và các biện pháp trừng phạt vì hành động sáp nhập Crimea năm 2014”.

Theo ông Lopes da Silva, việc Nga có thể duy trì chi tiêu hay không là điều khó dự đoán do làn sóng trừng phạt của Phương Tây nhằm đáp trả hành động tại Ukraine. 

Vào năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, các lệnh trừng phạt đến cùng thời điểm giá năng lượng giảm, nên rất khó để đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp trên.

“Hiện tại Phương Tây đã có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, nhưng giá năng lượng cao có thể giúp Nga đủ khả năng duy trì chi tiêu quân sự”, ông Lopes da Silva nói. 

 

Dòng ngân sách "quốc phòng", chiếm khoảng 3/4 tổng chi tiêu quân sự của Nga và bao gồm tài trợ cho chi phí hoạt động cũng như mua sắm vũ khí, đã được sửa đổi tăng trong năm 2021. Con số cuối cùng là 48,4 tỷ USD, cao hơn 14% so với ngân sách vào cuối năm 2020.

Nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để chống lại Nga, chi tiêu quốc phòng của Ukraine đã tăng 72% kể từ sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014. Mặc dù chi tiêu đã giảm trong năm 2021, nhưng vẫn chiếm tới 3,2% GDP của Ukraine.

Châu Á chi mạnh tay

Trung Quốc đứng thứ hai về chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Trong năm 2021, Bắc Kinh tốn 293 tỷ USD cho quân sự, tăng 4,7% so với 2021. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng liên tục trong suốt 27 năm. 

Tàu sân bay Type 003 đang được đóng của Trung Quốc. Hình ảnh được chụp vào năm 2021. (Ảnh: Maxar Technologies, Bloomberg).

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã thêm 7 tỷ USD vào chi tiêu quốc phòng vào năm 2021. Chi tiêu quốc phòng tăng 73% so với năm 2020, đạt con số 54,1 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 1972. Ngân sách quốc phòng của Australia cũng tăng 4%, đạt 31,8 tỷ USD vào năm 2021.

Nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, Tiến sĩ Nan Tian, cho biết: “Thái độ mạnh bạo của Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông đã trở thành động lực chính cho chi tiêu quân sự ở các nước như Australia và Nhật Bản”.

"Một ví dụ là thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ dự kiến cung cấp 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia với chi phí ước tính lên tới 128 tỷ USD", ông Tian nói thêm.

Mỹ vẫn dẫn đầu

Chi tiêu quân sự của Mỹ đạt 801 tỷ USD vào năm 2021, giảm 1,4% so với năm 2020. Gánh nặng quân sự của Washington đã giảm nhẹ từ mức 3,7% GDP vào năm 2020 xuống còn 3,5% trong năm ngoái.

Tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển quân sự của Mỹ (R&D) đã tăng 24% trong giai đoạn 2012 - 2021, trong khi kinh phí mua sắm vũ khí giảm 6,4% so với cùng kỳ. 

Trong năm 2021, chi tiêu cho cả hai đều giảm. Tuy nhiên, mức giảm trong chi tiêu cho R&D (–1,2%) nhỏ hơn mức giảm trong chi tiêu mua sắm vũ khí (–5,4%).

Ông Alexandra Marksteiner, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quân sự của SIPRI cho biết: “Việc gia tăng chi tiêu cho R&D trong giai đoạn 2012–21 cho thấy Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào các công nghệ tương lai”. 

"Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì lợi thế công nghệ của quân đội trước các đối thủ cạnh tranh chiến lược."

Máy bay không người lái tiếp nhiên liệu trên không MQ-25 Stingray thử nghiệm vào năm 2019. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).  

Những khu vực khác      

Vào năm 2021, ngân sách quốc phòng của Iran tăng lần đầu tiên trong 4 năm lên mức 24,6 tỷ USD. Tài trợ cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tăng 14% so với năm 2020, chiếm 34% tổng chi tiêu quân sự của Iran.

8 thành viên thuộc NATO đã đạt mục tiêu của tổ chức là chi 2% GDP hoặc hơn cho lực lượng quân đội vào năm 2021. Con số này thấp hơn năm 2020 những nhiều hơn năm 2014 là hai thành viên.

Tại Châu Phi, Nigeria tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 56% vào năm 2021, đạt mức 5,6 tỷ USD do nhiều thách thức về an ninh như chủ nghĩa bạo lực cực đoan và các cuộc nổi dậy ly khai.

Vào năm 2021, Đức chi 56 tỷ USD cho hoạt động quốc phòng, tương đương với 1,3 % GDP. So với năm 2020, ngân sách quốc phòng đã giảm 1,4% do lạm phát. Tuy nhiên, do cuộc xung đột tại Ukraine, lần đầu tiên Đức dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục là hơn 100 tỷ USD trong năm 2022.

Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về chi tiêu quốc phòng, với ngân sách 76,6 tỷ USD. Chi tiêu của Ấn Độ đã tăng 0,9% so với năm 2020 và 33% kể từ 2012. Trong nỗ lực nhằm củng cố ngành công nghiệp vũ khí bản địa, 64% ngân sách quân sự năm 2021 của New Delhi sẽ được dành cho việc mua lại vũ khí sản xuất trong nước.

Minh Quang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.