|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Navetco kinh doanh ra sao trước sự cố heo chết vì tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi?

11:03 | 26/08/2022
Chia sẻ
Trước khi xảy ra sự cố heo chết vì tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi, công ty Navetco ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đi xuống, mới thực hiện được chưa tới 30% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022.

Tối 25/8, Bộ NN&PTNT đã có thông tin chính thức về việc tỉnh Phú Yên và Bình Định ghi nhận heo chết sau khi tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC của CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco (Mã: VET).

Bộ cho biết từ đầu tháng 7 đến ngày 24/8, Công ty Navetco đã cung ứng trên 22.000 liều vắc xin NAVET-ASFVAC cho 19 tỉnh, thành phố để tổ chức tiêm cho các đàn heo của địa phương và các doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, đàn heo của các địa phương đều khỏe mạnh, phát triển tốt, ngoại trừ một số trường hợp không mong muốn xảy ra tại tỉnh Bình Định và Phú Yên khi triển khai tiêm phòng không có sự giám sát của cơ quan thú y và Công ty cung ứng vắc xin.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã cho tạm dừng tiêm vắc xin, tập trung xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến vụ việc, đồng thời điểm kiểm trách nhiệm công ty Navetco và cơ quan chuyên môn địa phương không tuân thủ quy định.

Trước khi xảy ra sự cố trên, CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco (Mã: VET) đã có kết quả kinh doanh khá ảm đạm trong 6 tháng đầu năm.

 Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC soát xét của Navetco.

Theo báo cáo tài chính soát xét của Navetco, doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm của công ty đạt 173 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lãi gộp cải thiện từ 29,2% cùng kỳ lên 40,9%.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty ổn định ở mức 0,9 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 13% lên 1,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng của Navetco tăng bật 3,5 lần, từ 8 tỷ vào 6 tháng năm 2021 lên 28 tỷ đồng trong 6 tháng năm nay. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của Navetco chỉ đạt 20,3 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Navetco đã hoàn thành 28% kế hoạch doanh thu năm 2022. Với lợi nhuận trước thuế 25,4 tỷ đồng, công ty đã thực hiện được 29% chỉ tiêu lợi nhuận.

Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC soát xét của Navetco. 

Lý giải về biến động kết quả kinh doanh, đại diện Navetco cho biết 6 tháng đầu năm, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, tình hình chăn nuôi vẫn còn ảm đạm, nông dân gặp khó khăn trong việc tái đàn, dẫn đến nhu cầu về các mặt hàng thuốc thú y giảm, doanh thu của công ty đi xuống.

Bên cạnh đó, nguồn cung đầu vào giảm do các nhà cung cấp gặp khó khăn trong vấn đề kho bãi, chuỗi cung ứng dẫn đến chi phí đầu vào tăng.

Ngoài ra, công ty vẫn duy trì các khoản chi phí cố định, chi phí vận chuyển, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao… làm cho lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Navetco là 894 tỷ đồng, giảm 3% so đầu năm.  Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền gần 76,5 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với ngày 1/1.

Riêng khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm gần 45% tổng tài sản. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn ở mức 96,3 tỷ đồng, giảm 56% so với đầu năm; hàng tồn kho khoảng 302 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm.

Kết thúc nửa đầu năm 2022, nợ phải trả của Navetco là 545 tỷ đồng, giảm 6,5% so với đầu kỳ. Trong đó, doanh nghiệp đi vay 201,5 tỷ đồng, đều là dài hạn và không biến động so với đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khoảng 349 tỷ đồng, tăng 4%.

CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco tiền thân là Viện Quốc gia Vi trùng học và Bệnh lý gia súc được thành lập năm 1955. Năm 2013, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 160 tỷ đồng, trong đó Bộ NN&PTNT nắm 65% vốn. Năm 2017, cổ phiếu VET giao dịch trên thị trường UPCoM.

Công ty kinh doanh chính trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thú y thủy sản; Nghiên cứu khoa học về thú y, các phương pháp chuẩn đoán, phòng chống bệnh gia súc, gia cầm; Dự trữ quốc gia về thuốc thú y, thú y thủy sản.

Hiện, Navetco đang quản lý vận hành ba phân xưởng sản xuất là phân xưởng sản xuất vắc xin siêu vi trùng, phân xưởng sản xuất vắc xin vi trùng và phân xưởng sản xuất dược phẩm với gần 160 sản phẩm vắc xin và dược phẩm thú y, thú y thủy sản.

 

Phạm Mơ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.