|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Heo chết sau khi tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi của Navetco, Bộ NN&PTNT nói gì?

18:27 | 25/08/2022
Chia sẻ
Sau khi ghi nhận hiện tượng heo chết sau khi tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco, Bộ NN&PTNT đã cho tạm dừng tiêm vắc xin, tập trung xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến vụ việc.

Heo chết sau khi tiêm vắc xin phòng ASF

Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng heo chết sau tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y thành lập đoàn công tác để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân.

Cụ thể trong các ngày 23 - 25/8, Cục Thú y thành lập đoàn công tác cùng với các cơ quan của tỉnh Bình Định và Công ty Navetco đến 3 huyện, thị xã (Tây Sơn, Tuy Phước và An Nhơn) và tỉnh Phú Yên để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân.

Về tình hình cung ứng và sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC tại tỉnh Bình Định và Phú Yên, từ đầu tháng 7 đến ngày 24/8, Công ty Navetco đã cung ứng trên 22.000 liều vắc xin NAVET-ASFVAC cho 19 tỉnh, thành phố để tổ chức tiêm cho các đàn heo của địa phương và các doanh nghiệp.

 Vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC. (Ảnh: H.Mĩ)

Đến thời điểm hiện tại, đàn heo của các địa phương đều khỏe mạnh, phát triển tốt, ngoại trừ một số trường hợp không mong muốn xảy ra tại tỉnh Bình Định và Phú Yên khi triển khai tiêm phòng không có sự giám sát của cơ quan thú y và Công ty cung ứng vắc xin.

Tại tỉnh Bình Định, sử dụng vắc xin có kiểm soát, hướng dẫn của cơ quan thú y theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y.

Trong tổng số 905 liều vắc xin tiêm cho heo thịt từ ngày 21/7 tại 9 cơ sở chăn nuôi heo đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, đến nay, các đàn heo tiêm đều sinh trưởng, phát triển tốt.

Tuy nhiên, cùng có trường hợp sử dụng vắc xin không có kiểm soát, hướng dẫn của cơ quan thú y.

Do thông tin sử dụng 905 liều vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC có hiệu quả, cùng với dịch bệnh DTLCP tại tỉnh Bình Định nguy cơ bùng phát, người chăn nuôi, thú y cơ sở đề nghị được cung cấp vắc xin để tự tiêm phòng cho các loại heo (heo nái, đực giống, heo con theo mẹ và heo thịt), với tổng cộng 4.950 liều.

Việc tiêm mở rộng nêu trên chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y. Đặc biệt là tiêm sai đối tượng chỉ định được dùng vắc xin, tiêm không có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y… nên dẫn đến có hơn 250 con heo phản ứng và chết tại 66 hộ chăn nuôi.

Theo cơ quan chức năng địa phương, số heo phản ứng và chết này có thể do các đàn heo đã nhiễm virus dịch tả heo châu Phi thực địa hoặc nhiễm một số mầm bệnh truyền nhiễm khác từ trước khi tiêm phòng, đang trong thời gian ủ bệnh và chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh, nên chủ hộ, thú y cơ sở không xác định được heo đã nhiễm bệnh.

Còn tại tỉnh Phú Yên, mặc dù địa phương chưa có trong danh sách các đăng ký cung ứng và sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC. Tuy nhiên, từ ngày 4-17/8 tại các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An và thị xã Đông Hòa, người dân mua 36 lọ vắc xin (tương đương 900 liều) về tự tiêm cho đàn heo mà không có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y, Cục Thú y và không đúng với chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Theo báo cáo của địa phương, tổng số heo đã tiêm vắc xin là 609 con, heo từ 2 tháng tuổi trở lên của 45 hộ. Sau đó 542 con heo (chiếm 89%) phản ứng sau tiêm; trong đó có 297 con chết (chiếm 48,8%); 245 con đang điều trị triệu chứng và hồi phục.

Đoàn công tác của Cục Thú y đang tiếp tục phối hợp với các địa phương để nắm bắt tình hình, hướng dẫn, hỗ trợ các biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh, cũng như phòng, chống dịch bệnh.

Tạm dừng tiêm vắc xin dịch ASF, kiểm điểm nhiều đơn vị

Từ kết quả báo cáo của địa phương và Đoàn công tác, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm Công ty Navetco và các cơ quan chuyên môn của các địa phương đã không tuân thủ quy định.

Đặc biệt mở rộng đối tượng tiêm nhưng không có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y; tiêm sai đối tượng heo đã chỉ định được tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC.

Đối với Công ty Navetco, Bộ NN&PTNT yêu cầu phải tập trung cùng với các địa phương hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí, xử lý các trường hợp có heo chết trước ngày 31/8.

Đồng thời, tạm dừng triển khai sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC để tập trung nguồn lực xử lý các vấn đề phát sinh tại Bình Định, Phú Yên và các địa phương khác (nếu có).

Đồng thời, rà soát, xác định nguyên nhân, sự bất thường trong quá trình triển khai sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi như: bảo quản, vận chuyển, cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin tại thực địa.

Công ty có báo cáo đầy đủ, chính xác về tình hình cung ứng, sử dụng và giám sát sau tiêm phòng vắc xin theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y.

Bộ cũng đề nghị tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên dừng tiêm vắc xin; tập trung thống kê chính xác số heo có phản ứng, chết để hỗ trợ; tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để xử lý ổ dịch; chỉ đạo, hướng dẫn người dân không bán chạy heo bệnh, heo chết, xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát, lấy mẫu các trường hợp heo phản ứng, chết sau tiêm vắc xin để xác định nguyên nhân; kịp thời báo cáo đầy đủ, chính xác về tình hình sử dụng và giám sát sau tiêm phòng; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nêu trên.

Các đơn vị thuộc Cục Thú y tiếp tục rà soát, đánh giá lại chất lượng các lô vắc xin đã sử dụng tại các địa phương; tiến hành xét nghiệm, phân tích chuyên sâu (mẫu heo bệnh, heo sau tiêm, mẫu vắc xin… để có cơ sở kết luận chính xác nguyên nhân. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và Công ty Navetco để khắc phục sự cố tại các địa phương đã tiêm vắc xin và có heo phản ứng.

Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thú y tổng hợp, báo cáo đầy đủ thực trạng sử dụng vắc xin dịch tả heo châu phi NAVET-ASFVAC ở tất cả các địa phương trước ngày 27/8.

Hoàng Anh