Vắc xin dịch tả heo Châu Phi sẽ là 'quả bom tấn' cho doanh thu của Navetco trong năm 2022?
Mới đây, CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco (Mã: VET) công bố nghiên cứu thành công vắc xin dịch tả heo Châu Phi có tên NAVET-ASFV AC. Sự kiện này thu hút sự chú ý của cả quốc tế bởi đây là công ty đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công vắc xin dịch tả heo Châu Phi kể từ khi bệnh dịch này xuất hiện cách đây hơn 100 năm.
Trước đó, có đến hơn 4.000 công trình nghiên cứu vắc xin dịch tả heo Châu Phi trên toàn cầu nhưng đều không có kết quả.
CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco tiền thân là Viện Quốc gia Vi trùng học và Bệnh lý gia súc được thành lập năm 1955 với 3 nhiệm vụ chính là nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh thuốc thú y và thú y thủy sản.. Năm 2013, Navetco chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Hiện vốn điều lệ 160 tỷ đồng, trong đó Bộ NN&PTNT nắm 65% vốn và Nova Consumer Group (tên cũ Anova Corp) nắm 12,18% do ông Nguyễn Hiếu Liêm, Tổng Giám đốc Nova Consumer Group đại diện. Năm 2017, cổ phiếu VET giao dịch trên sàn UPCoM.
Sản phẩm do công ty sản xuất không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước mà còn có mặt ở một số nước như : Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh, Trung Quốc,…
Trước đó, trong giai đoạn 2019 - 2021, tình hình kinh doanh của Navetco liên tục sa sút nhiều nguyên nhân như tình hình dịch tả heo Châu Phi xảy ra phức tạp khiến tổng đàn heo giảm mạnh. Ngoài ra, dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Có thời điểm Navetco đã phải cắt giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác như hoa hồng bán hàng, khuyến mại, bảo hành sản phẩm….
Nếu như dịch tả heo Châu Phi khiến tình hình kinh doanh của công ty đi xuống trong 3 năm liên tiếp thì chính việc trở thành công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vắc xin đại dịch 100 năm vẫn không có thuốc chữa này được nhiều người kỳ vọng sẽ là “ngòi nổ” cho kết quả kinh doanh trong năm nay và cả những năm tiếp theo.
Chia sẻ với người viết, ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Navetco cho biết hiện tại công suất của các nhà máy có thể đạt khoảng 50 triệu liều mỗi năm, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, hầu hết nguyên liệu đều có thể tự chủ trong nước, ngoại trừ môi trường nuôi cấy mới phải nhập nước ngoài. Điều này góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất.
“Trong số các nguyên liệu đầu vào, có duy nhất môi trường nuôi cấy chúng tôi mới phải nhập nước ngoài, còn lại các nguyên liệu khác hoàn toàn có thể chủ động ở trong nước. Bởi, phương pháp sản xuất của chúng tôi là sử dụng tế bào sơ cấp từ con heo cho nên chỉ cần những trang trại đảm bảo an toàn sinh học tốt thì hoàn toàn có thể đảm bảo”, ông Hạnh nói.
Mặc dù vậy, việc kỳ một cú “bùng nổ” về doanh thu, ít nhất trong năm 2022 bằng NAVET-ASFV AC có vẻ còn quá sớm. Điều này cũng thể hiện trong mục tiêu kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty khi chỉ kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 1% so với năm 2021 đạt lần lượt 613 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 87 tỷ đồng.
Việc chưa thể kỳ vọng doanh thu đột phá trong năm 2022 từ việc nghiên cứu thành công vắc xin bởi quả “bom tấn” NAVET-ASFV AC chưa thể “nổ” ngay mà cần phải trải qua 2 giai đoạn nữa.
Giai đoạn 1, sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC ở diện hẹp, số lượng vắc xin dự kiến được phép sử dụng khoảng 600.000 liều, tại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và người chăn nuôi có nhu cầu đăng ký tự nguyện sử dụng.
Giai đoạn 2, sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng NAVET-ASFVAC ở giai đoạn 1, Cục Thú y báo cáo Bộ NN&PTNT chỉ đạo việc sử dụng vắc xin ở phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, mặc dù thị trường nước ngoài cũng đang “khát” vắc xin dịch tả heo Châu Phi nhưng trong ngắn hạn Navetco vẫn chưa thể xuất khẩu vì các vấn đề giấy tờ pháp lý. Ngoài ra, với việc 65% cổ phần của Navetco là của Nhà nước nên chiến lược phân phối vắc xin giai đoạn đầu vẫn là ưu tiên thị trường nội địa.
Chia sẻ với người viết, ông Hạnh cho biết “Nhiều công ty nước ngoài đã liên hệ chúng tôi, mong muốn được nhập khẩu NAVET-ASFVAC nhưng kế hoạch của công ty là giải quyết xong nhu cầu trong nước, sau đó mới có kế hoạch xuất khẩu sang nước ngoài. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ được công bố vắc xin để phủ rộng rãi, từ đó mới biết nhu cầu trong nước ra sao? Công suất có đáp ứng nổi để cho cả nội địa lẫn xuất khẩu không?”
Một yếu khác là giá bán. Đây là phần được nhiều người cho là sẽ ở mức rất cao ở giai đoạn đầu do là công ty đầu tiên sản xuất thành công. Tuy nhiên, trên thực tế giá dự kiến chỉ khoảng 34.000 - 36.000 đồng/liều, tức tương đương so với giá của các vắc xin bệnh thông thường khác như tai xanh. Với mỗi con heo, liều tiêm sẽ dao động 1 - 2 liều, tuỳ vào vùng nuôi có đảm bảo an toàn sinh học hay không. Hiện tổng đàn heo của Việt Nam khoảng 28 triệu con.
Ông Hạnh cho biết thêm thậm chí trong tương lai mức giá này sẽ còn rẻ hơn nữa khi đã qua giai đoạn đầu tư vì hiện công ty vẫn đang phải trả chi phí chuyển giao, mua giống.
“Navetco là đơn vị duy nhất sản xuất thành công vắc xin dịch tả heo Châu Phi nhưng sẽ không có chuyện “muốn bán giá bao nhiêu thì bán”. Yếu tố doanh thu và lợi nhuận của sản phẩm này là dựa trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi”, ông Hạnh nói.
Ngoài ra, một lý do khách quan khác lý giải cho kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn được đề cập trong tài liệu ĐHĐCĐ 2022 của Navetco là tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Những yếu tố kể trên là câu chuyện ngắn hạn cho năm 2022, còn về dài hạn Navetco còn đối mặt với áp lực cạnh tranh từ 2 ông lớn khác là Dabaco và AVAC cũng đang chạy nước rút trong cuộc đua làm vắc xin.
Cuộc đua làm vắc xin dịch tả bắt đầu từ quý III/2020 khi Cục Thú y cho phép nhập khẩu chủng virus nhược độc từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây là một phần của chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong việc nghiên cứu vắc xin dịch tả heo Châu Phi.
Navetco, Dabaco và AVAC là 3 doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực và kinh nghiệm được chỉ định tham gia chương trình này, tiếp nhận giống virus và công nghệ từ Mỹ.
Trong đó, Navetco được tiếp nhận chủng giống virus sớm nhất nhất (9/2020) còn lại AVAC và Dabaco tiếp nhận chủng giống virus lần lượt vào tháng 1/2021 và 9/2021.
Tính đến hiện tại vắc xin NAVET-ASFV AC cán đích đầu tiên và đang chuẩn bị những bước cuối cùng để được bán rộng rãi.
Dự kiến đến cuối năm 2022, Cục Thú y sẽ cấp phép lưu hành thêm 2 loại vắc xin của 2 công ty còn lại.
Hiện Dabaco đã sản xuất thành công vắc xin thương mại DACOVAC AC-ASF2 nhược độc khô và đang được kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng. Kết quả ban đầu cho thấy vắc xin đạt tiêu chuẩn về an toàn và hiệu lực bảo hộ trên 80% trên đàn heo thí nghiệm.
Còn với vắc xin của Công ty AVAC (AVAC ASF LIVE) đang trong giai đoạn đánh giá sử dụng ở diện hẹp. Kết quả thí nghiệm ban đầu cho thấy vắc xin này chuẩn vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ trên 80% số heo được thí nghiệm, độ dài miễn dịch đạt 4 tháng đối với heo thịt từ 4 tuần tuổi trở lên. Đối với điều kiện tại các trang trại quy mô khác nhau, mức độ bảo hộ lên tới 95%.
Khi cả doanh nghiệp được cấp phép lưu hành vắc xin dịch tả heo Châu Phi , công suất tối đa sẽ gấp nhiều lần hiện tại khi chỉ có Navetco.
Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco, hiện tập đoàn đang đầu tư nhà máy lớn, có thể sản xuất hàng trăm triệu liều vắc xin dịch tả heo Châu Phi 1 năm với giá hợp lý. Còn với AVAC, công suất của công ty cũng đạt khoảng 60 triệu liều/năm.
Mặc dù trong lai gần, sức cạnh tranh sẽ nóng dần khi vắc xin cả 3 doanh nghiệp được cấp phép sử dụng và thị trường nội địa cũng sẽ chật hẹp hơn, nhưng vẫn còn miếng bánh rất lớn là thị trường thế giới. Do đó, đây là cơ hội không chỉ dành cho Navetco mà còn cả Dabaco và AVAC bởi họ là những doanh đầu tiên trên thế giới có thể giải được bài toán đã kéo dài đằng đẵng suốt 100 năm qua.