|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu VET của Navetco lập đỉnh lịch sử ngày công bố sản xuất được vắc xin dịch tả heo châu Phi

15:00 | 03/06/2022
Chia sẻ
Trước giờ công bố sản xuất thành công vắc xin dịch tả heo châu Phi, giá cổ phiếu của VET của Navetco lập đỉnh kể từ khi lên UPCoM.

Ngày 1/6, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ công bố vắc xin dịch tả heo châu Phi vào 15h30 ngày 3/6.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6, cổ phiếu VET của CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco (Mã: VET) tăng 8,8%, lên 116.000 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn UPCoM. Có thời điểm trong phiên giao dịch hôm nay, VET tăng kịch biên độ. Trước đó, cổ phiếu của doanh nghiệp này ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp. 

 Diễn biến giá cổ phiếu của Navetco trong một tháng gần đây. (Nguồn: TradingView)

Sau khi vắc xin dịch ASF được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cấp phép lưu hành, Navetco sẽ đưa vào sản xuất thương mại, tiếp thị và bán hàng nhằm cải thiện doanh thu, đồng thời giúp người chăn nuôi hạn chế được dịch bệnh trên động vật.

Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Navetco cho biết: "Giá bán của vắc xin dịch tả heo châu Phi Navetco sản xuất (NAVET-ASFVAC) dự kiến khoảng 34.000 - 36.000 đồng/liều, trong tương lai giá vắc xin sẽ còn giảm hơn nữa".

Đại diện Navetco thông tin thêm hiện công ty vẫn đang còn 65% vốn nhà nước chi phối, vì thế việc kinh doanh vắc xin của công ty không đơn thuần đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu, mà phải xem việc nghiên cứu vắc xin dịch ASF là nhiệm vụ chính trị, góp phần ổn định ngành chăn nuôi.

“Doanh thu và lợi nhuận của sản phẩm này là trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi”, đại diện Navetco nói tại ĐHĐCĐ năm 2022.

Navetco kinh doanh ra sao?

CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco tiền thân là Viện Quốc gia Vi trùng học và Bệnh lý gia súc được thành lập năm 1955. Năm 2013, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 160 tỷ đồng, trong đó Bộ NN&PTNT nắm 65% vốn. Năm 2017, cổ phiếu VET giao dịch trên thị trường UPCoM.

Công ty kinh doanh chính trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thú y thủy sản; Nghiên cứu khoa học về thú y, các phương pháp chuẩn đoán, phòng chống bệnh gia súc, gia cầm; Dự trữ quốc gia về thuốc thú y, thú y thủy sản.

Hiện, Navetco đang quản lý vận hành ba phân xưởng sản xuất là phân xưởng sản xuất vắc xin siêu vi trùng, phân xưởng sản xuất vắc xin vi trùng và phân xưởng sản xuất dược phẩm với gần 160 sản phẩm vắc xin và dược phẩm thú y, thú y thủy sản.

Về tình hình kinh doanh, năm 2021, doanh thu thuần của Navetco đạt 608 tỷ đồng giảm 1% so với năm 2020.

Tác động của dịch COVID-19 khiến giá vốn hàng bán và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 5% và 7% so với năm 2021. Dù công ty đã cắt giảm nhiều khoản chi phí như chi phí tài chính giảm 24%, chi phí bán hàng giảm 33% nhưng lãi sau thuế vẫn giảm 8% so với năm 2020, đạt 67 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 55% lợi nhuận sau thuế năm 2018.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Navetco ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. 

 Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo thường niên của Navetco.

Navetco lý giải 2021 là năm rất khó khăn cho nền kinh tế nói chung và ngành thú y Việt Nam nói riêng.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng gián đoạn đến sản xuất - kinh doanh của các ngành nghề trong khu vực do phải thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về việc giãn cách xã hội.

Thêm vào đó, ngành chăn nuôi chịu tác động trực tiếp từ dịch tả heo châu Phi khi chưa có vắc xin, làm tổng đàn heo giảm rõ rệt.

Trong khi thị trường trong nước suy giảm bởi ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, thị trường nước ngoài của Navetco vẫn tăng trưởng ấn tượng 31% so với năm 2020. Công ty tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm tại một số thị trường như Philippines, Sri Lanka, Nga, Belarus, Jordan, Libya, Hàn Quốc, Iran...

Trong năm 2021, công ty đã đăng ký mới được 8 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm dược phẩm và 3 sản phẩm vắc xin.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Navetco đặt mục tiêu doanh thu 613 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 87 tỷ đồng, đều tăng nhẹ khoảng 1% so với với thực hiện năm 2021.

Sở dĩ, Navetco đưa ra kế hoạch kinh doanh có phần thận trọng dựa trên tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng chính trị Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu và giá cả hàng hóa. 

Phạm Mơ