|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự kiến trong tháng 7, Việt Nam có thêm một loại vắc xin dịch tả heo Châu Phi

17:32 | 28/06/2022
Chia sẻ
Dự kiến trong tháng 7, Cục Thú y sẽ cấp phép cho vắc xin dịch tả heo Châu Phi của Công ty TNHH MTV AVAC. Sau đó, vắc xin này sẽ phải trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm trên diện rộng trước khi được Bộ NN&PTNT chấp thuận sản xuất thương mại.

Chia sẻ bên lề hội nghị sơ kết 6 tháng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Văn Long Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết dự kiến trong tháng 7, Việt Nam sẽ có thêm một loại vắc xin dịch tả heo Châu Phi của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam  (AVAC ASF LIVE) .

 Ông Nguyễn Văn Long Quyền Cục trưởng Cục Thú y. (Ảnh: H.Mĩ)

"Hiện Cục Thú y đã báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tất cả quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm nghiệm ở diện hẹp của AVAC. Những quy trình này đều đạt yêu cầu và Cục Thú y đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét cho ý kiến trước khi cấp phép lưu hành vào tháng 7", ông Long cho biết.

Người đứng đầu Cục Thú y nói thêm sau khi được cấp phép, vắc xin dịch tả heo Châu Phi của AVAC, sẽ phải trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1, AVAC sẽ sản xuất 600.000 liều và thử nghiệm tối thiểu trên 50 trại với quy mô khác nhau. Giai đoạn 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xem xét kết quả từ giai đoạn 1 để quyét định có sử dụng trên toàn quốc hay không. 

Kết quả thí nghiệm ban đầu cho thấy vắc xin này chuẩn vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ trên 80% số heo được thí nghiệm, độ dài miễn dịch đạt 4 tháng đối với heo thịt từ 4 tuần tuổi trở lên. Đối với điều kiện tại các trang trại quy mô khác nhau, mức độ bảo hộ lên tới 95%.

Cuộc đua làm vắc xin dịch tả bắt đầu từ quý III/2020 khi Cục Thú y cho phép nhập khẩu chủng virus nhược độc từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây là một phần của chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong việc nghiên cứu vắc xin dịch tả heo Châu Phi. 

Navetco, Dabaco và AVAC là 3 doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực và kinh nghiệm được chỉ định tham gia chương trình này, tiếp nhận giống virus và công nghệ từ Mỹ. 

Trong đó, Navetco được tiếp nhận chủng giống virus sớm nhất nhất (9/2020) còn lại AVAC và Dabaco tiếp nhận chủng giống virus lần lượt vào tháng 1/2021 và 9/2021.

Tính đến hiện tại vắc xin NAVET-ASFV AC của Navetco cán đích đầu tiên và đang trong giai đoạn 1 (tức sản xuất 600.000 liều và thử nghiệm trên 50 trang trại). Giá dự kiến của vắc xin NAVET-ASFV AC khoảng 34.000 - 36.000 đồng/liều, tức tương đương so với giá của các vắc xin bệnh thông thường khác như tai xanh. Với mỗi con heo, liều tiêm sẽ dao động 1 - 2 liều, tuỳ vào vùng nuôi có đảm bảo an toàn sinh học hay không.

  Vắc xin NAVET-ASFV AC của Navetco. Ảnh: H.Mĩ

Còn với Dabaco, hiện công ty đã sản xuất thành công vắc xin thương mại vắc xin dịch tả heo Châu Phi DACOVAC AC-ASF2 nhược độc khô và đang được kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng. Kết quả ban đầu cho thấy vắc xin đạt tiêu chuẩn về an toàn và hiệu lực bảo hộ trên 80% trên đàn heo thí nghiệm.

Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco, hiện tập đoàn đang đầu tư nhà máy lớn, có thể sản xuất hàng trăm triệu liều vắc xin dịch tả heo Châu Phi 1 năm với giá hợp lý. Với AVAC, công suất của công ty cũng đạt khoảng 60 triệu liều/năm.

H.Mĩ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.