|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 do Pfizer sản xuất

15:04 | 12/12/2020
Chia sẻ
Theo kế hoạch, 2,9 triệu liều vắc xin COVID-19 sẽ được Chính phủ Mỹ phân phối trong vòng 24h, sau 21 ngày tiếp tục phân phối 2,9 triệu liều bổ sung cho bệnh nhân tiêm mũi thứ hai.

Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt vắc xin COVID-19 do Pfizer và BioNTech hợp tác sản xuất, để sử dụng khẩn cấp.

Quyết định được đánh giá là một bước ngoặt lớn trong cuộc khủng hoảng đại dịch kéo dài đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người Mỹ, chỉ trong vòng chưa đầy một năm và tàn phá nền kinh tế đất nước.

Nhà khoa học hàng đầu FDA Denise Hinton cho biết trong một thông báo gửi tới hãng dược phẩm Pfizer rằng tổ chức này đã cấp phép sử dụng cho loại vắc xin khẩn cấp mà công ty sản xuất.

Tổng thống Donald Trump gọi đây là một "phép màu y học" trong một dòng tweet. "Chúng tôi đã cho ra đời một loại vắc xin an toàn và hiệu quả chỉ sau 9 tháng phát triển", ông Trump viết. "Đây là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử."

Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA cho biết quyết định này "hứa hẹn sẽ thay đổi diễn biến của đại dịch ở Mỹ".

Giấy phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của FDA có hiệu lực sẽ giúp các chính quyền liên bang khởi động việc phân phối thuốc tới 64 tiểu bang, vùng lãnh thổ và các thành phố lớn trên toàn quốc để cứu sống những người bệnh.

Chính phủ Mỹ có kế hoạch phân phối 2,9 triệu liều vắc xin COVID-19 trong vòng 24h, tiếp theo sau 21 ngày 2,9 triệu liều vắc xin khác sẽ được tiếp tục phân phối bổ sung để bệnh nhân tiêm mũi thứ hai.

Vắc xin COVID-19 do Pfizer sản xuất yêu cầu tiêm 2 liều cách nhau 3 tuần.

Kênh truyền hình CNBC của Mỹ nhận xét, vắc xin COVID-19 đã đến vào một thời điểm không thể quan trọng hơn. 

Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đã có số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 cao hơn bao giờ hết và đợt bùng phát dịch bệnh ở nước này được cho là sẽ thiết lập những kỉ lục y khoa thậm chí còn tồi tệ hơn nữa.

Theo phân tích của CNBC về dữ liệu của ĐH Johns Hopkins, Mỹ đang có 3.124 trường hợp tử vong do COVID-19, tính đến hết ngày 9/12. 

Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, Tiến sĩ Robert Redfield hồi đầu tháng này đã cảnh báo rằng vài tháng tới đại dịch COVID-19 sẽ chạm đỉnh và là một cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất của đất nước này.

Liều lượng ban đầu của vắc xin COVID-19 đang bị hạn chế, nhưng quá trình sản xuất sẽ tăng lên. Các quan chức dự đoán sẽ mất nhiều tháng để tiêm chủng cho tất cả những người Mỹ muốn được tiêm phòng ngừa.

Pfizer nói rằng họ có kế hoạch sản xuất 50 triệu liều vắc xin trong năm nay, đủ để tiêm cho 25 triệu người. Vắc xin dự COVID-19 dự kiến sẽ được phân phối theo từng giai đoạn, trong đó những công dân Mỹ quan trọng nhất và những người dễ bị tổn thương sẽ được tiêm trước.

CDC Mỹ đã cung cấp cho các bang một đề cương khuyến nghị ưu tiên các nhân viên chăm sóc sức khoẻ và những người trong viện dưỡng lão trước tiên. Tuy nhiên, các bang có thể có cách phân phối vắc xin riêng nếu họ thấy phù hợp với thực tế.

Giấy phép của FDA đánh dấu khoảng thời gian phát triển vắc xin kỉ lục, thường mất khoảng 1 thập kỉ. Quá trình phát triển vắc xin được đánh giá là nhanh nhất từ trước đến nay là vắc xin quai bị cũng mất hơn 4 năm.

Pfizer và BioNTech đã công bố kế hoạch phát triển vắc xin COVID-19 từ tháng 3/2020 và đệ đơn xin được cấp phép vào tháng 11/2020. Hiện tại các cơ quan quản lí y tế ở Canada, Anh và Bahrain hầu hết đều đã cho phép người trưởng thành sử dụng vắc xin COVID-19 do Pfizer sản xuất.

Trước đó, vắc xin COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất là vắc xin đầu tiên được cấp phép sử dụng trên thế giới. Dự kiến vắc xin này sẽ có giá khoảng 26 USD, tức khoảng 600.000 đồng cho hai liều.

Trong khi đó tại Việt Nam, hãng dược phẩm NANOGEN cũng đã đi tới giai đoạn phát triển vắc xin COVID-19 thứ 3 đó là thử nghiệm lâm sàng trên người. Đơn vị này đang hợp tác với Học viện Quân Y để tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, dự kiến sớm nhất đến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ có vắc xin COVID-19 do chính mình sản xuất.

Thiên Trường

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.