Trung Quốc có dụng ý gì khi ưu tiên vắc xin COVID-19 cho các nước đang phát triển?
Từ Malaysia, Philippines cho đến châu Phi, Trung Quốc đã cho một số quốc gia đang phát triển quyền ưu tiên tiếp cận vắc xin COVID-19 nước này đang nghiên cứu. Các công ty Trung Quốc cũng đã kí thỏa thuận với một số quốc gia để thử nghiệm và sản xuất vắc xin.
Theo CNBC, giới chuyên gia cho rằng những động thái trên có thể gây áp lực buộc các quốc gia ủng hộ lợi ích thương mại và chính trị của Bắc Kinh.
Nhà phân tích Imogen Page-Jarrett của The Economist Intelligence Unit nhận định: "Tôi không nghĩ đề xuất của Trung Quốc là lòng tốt vô điều kiện, hẳn là họ muốn nhận lại một số lợi ích. Trung Quốc muốn mở rộng lợi ích thương mại và chiến lược của mình ở những nước đang phát triển".
Bà nghĩ rằng vắc xin COVID-19 có thể là "phương tiện để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và quyền lực mềm" cũng như xoa dịu mâu thuẫn với các quốc gia có thể đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch.
Ông Jacob Mardell, thành viên Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói vắc xin là "hàng hóa công cộng toàn cầu" nhưng cũng nhắc nhở về "tình bạn và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc".
"Tôi nghĩ vắc xin chắc chắn sẽ được tận dụng để nâng cao hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc".
Về phần mình, Trung Quốc khẳng định "sẽ không biến vắc xin COVID-19 thành bất kì loại vũ khí địa chính trị hoặc công cụ ngoại giao nào. Chúng tôi phản đối mọi hành vi chính trị hóa việc phát triển vắc xin", theo một bài xã luận của tờ Tân Hoa Xã (Xinhua).
Giáo sư Chong Ja Ian của Đại học Quốc gia Singapore nói rằng Trung Quốc có thể đòi hỏi các quốc gia nhận vắc xin hợp tác "trong hàng loạt" vấn đề, bao gồm các cuộc thảo luận thực tiễn về qui tắc ứng xử tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông hay thân thiện hơn với các sản phẩm công nghệ Trung Quốc.
"Các đòi hỏi trên đều có thể được đưa ra. Có quá nhiều sự chồng chéo giữa lợi ích của Trung Quốc với mối quan tâm của các quốc gia khác và rất nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc có thể muốn vượt lên trước, đặc biệt là với Mỹ".
Nhưng Giáo sư Chong nói rằng ông "sẽ không chỉ trích quá gay gắt" nếu Trung Quốc thực sự yêu cầu các nước khác giúp đỡ việc gì đó để đổi lấy vắc xin.
"Động cơ tư lợi kiểu này không có gì đáng ngạc nhiên và không chỉ Trung Quốc mới vậy". Ông Chong lưu ý rằng các hãng dược cũng muốn thu lợi nhuận từ việc bán vắc xin.
"Tất nhiên, câu hỏi đặt ra là bạn đi xa đến đâu – ví dụ khi bạn đưa ra những yêu cầu quá mức hay muốn kiếm siêu lợi nhuận thì vấn đề bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn".
Dựa trên "các hành động trong quá khứ", ông Chong nói rằng có vẻ Trung Quốc có thể đưa ra những yêu cầu "không cân xứng".
Khả năng Trung Quốc giành được lợi thế chính trị từ vắc xin phụ thuộc vào độ an toàn của sản phẩm và mức giá của những lựa chọn khác.
"Nếu vắc xin của Trung Quốc kém hiệu quả hay kém an toàn hơn sản phẩm của phương Tây thì dĩ nhiên nhu cầu dành cho nó cũng giảm đi. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu", ông Chong cho biết.
Đa số các công ty dược phẩm Mỹ và châu Âu đã đưa ra kết quả thử nghiệm vắc xin, nhưng dữ liệu từ Trung Quốc thì ít phổ biến hơn. Trung Quốc có 5 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn cuối. Ít nhất một loại vắc xin đang trong quá trình cấp phép sử dụng.
Nhưng nhà phân tích Page-Jarrett của The Economist Intelligence Unit nói rằng vắc xin Trung Quốc có thể đáng tin cậy.
"Nếu giả định rằng Trung Quốc cần tiêm phòng cho người dân trong nước trước khi phân phối vắc xin ra bên ngoài, chắc chắn chính phủ nước này sẽ không sử dụng bất kì sản phẩm nào họ không tin tưởng về độ an toàn".
"Nếu Trung Quốc tiêm chủng cho chính dân mình và tạo ra các tác dụng phụ tiêu cực thì chính phủ sẽ phải chịu hậu quả cực kì nghiêm trọng", bà Page-Jarrett lập luận.
Nhà nghiên cứu Mardell của Viện Mercator chỉ ra rằng những vắc xin đạt hiệu quả phòng bệnh cao do phương Tây phát triển đã được đặt mua quá mức có sẵn và "được một vài nước rất giàu có mua sạch".
Do vậy, vắc xin của Trung Quốc vẫn có thể được đón nhận, đặc biệt là bởi các quốc gia đang phát triển không thể lựa chọn sản phẩm đắt đỏ từ Pfizer-BioNTech hay Moderna.
Bà Page-Jarrett cho biết hầu hết các quốc gia đã kí thỏa thuận với nhiều nhà cung cấp vắc xin vì "không ai muốn bỏ hết trứng vào một giỏ".
Dù ưu tiên hàng đầu là sức khỏe và độ an toàn, một số nước Đông Nam Á cũng "coi trọng việc duy trì sự độc lập và vị thế trung lập" thay vì phải chịu sức ép bởi các thế lực bên ngoài.
"Các quốc gia này phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đối xử với họ như con tốt trong các cuộc chơi quyền lực trong khu vực", bà Page-Jarrett nói.