UAE: Vắc xin COVID-19 của Trung Quốc hiệu quả 86%, phù hợp cho các nước đang phát triển
Khoảng 31.000 tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm vắc xin tại UAE. Báo cáo cho thấy vắc xin này cho hiệu quả cao trong phòng ngừa các trường hợp nhiễm COVID-19 vừa và nặng, cũng như không có lo ngại nghiêm trọng nào về độ an toàn.
Bộ Y tế của UAE cho biết thành công của vắc xin tạo cơ hội để đất nước vùng Vịnh này triển khai vắc xin trong cộng đồng và mở cửa lại nền kinh tế.
Theo Bloomberg, ứng viên vắc xin được nhắc đến do China National Biotec Group (CNBG), một công ty con của tập đoàn dược phẩm nhà nước Trung Quốc Sinopharm điều chế.
Vắc xin này đã được sử dụng khẩn cấp cho hàng trăm nghìn người tại Trung Quốc, song chưa được chấp thuận sử dụng công khai từ bất kì cơ quản quản lí dược phẩm nào. CNBG hiện không phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Tỉ lệ phòng bệnh đến 86% của vắc xin trên được xếp vào hàng các vắc xin hiệu quả nhất thế giới. So với các vắc xin phương Tây như của Pfizer và Moderna, ứng viên vắc xin này có thể trở thành lựa chọn ưu tiên để tiêm chủng cho đông đảo người dân tại các nước đang phát triển.
Thành công ban đầu của vắc xin do CNBG điều chế đang tạo thêm động lực cho lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đó, ông Tập tuyên bố sẽ biến bất kì vắc xin Trung Quốc nào thành "hàng hóa chung" cho toàn thế giới như một nỗ lực nhằm khôi phục hình ảnh của Bắc Kinh sau khi đại dịch bùng phát từ thành phố Vũ Hán.
Các quốc gia đang phát triển như Indonesia và Pakistan đã kí thỏa thuận mua vắc xin với CNBG. Vì vắc xin của CNBG là lựa chọn khá phù hợp cho các nền kinh tế đang phát triển, dự kiến sẽ có thêm các nước khác tìm đến CNBG.
Dù cho hiệu quả phòng bệnh hơn 90%, vắc xin của Pfizer và Moderna lại gặp một số thách thức liên quan đến phân phối, chẳng hạn như yêu cầu bảo quản ở điều kiện rất lạnh. Trong khi đó, vắc xin của CNBG có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường.
Song, vắc xin của Pfizer đã được chính phủ Anh phê duyệt và đã bắt đầu tiêm chủng ở người từ đầu tuần này. Sáng ngày 8/12, Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng công bố dữ liệu cho thấy vắc xin này an toàn và hiệu quả, không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Trong vài ngày tới, FDA sẽ nhóm họp và quyết định liệu có phê chuẩn vắc xin của Pfizer hay không.
Tỉ lệ bảo vệ của vắc xin CNBG cũng cao hơn so với kết quả ban đầu của vắc xin do AstraZeneca (Anh) và Đại học Oxford đồng phát triển. Hồi đầu tháng 11, hãng dược nước Anh cho biết khi tiêm đủ hai mũi, vắc xin của họ chỉ đạt hiệu quả phòng bệnh là 70%.
Trước những tín hiệu hứa hẹn về vắc xin của CNBG, các quan chức Abu Dhabi cho biết họ sẽ bắt đầu làm việc cùng chính quyền các địa phương để "khôi phục lại hoạt động kinh tế, du lịch và văn hóa trong vòng hai tuần tới".
Vắc xin ngừa COVID-19 của CNBG được tạo ra bằng cách sử dụng một phiên bản bất hoạt của virus SARS-CoV-2 để kích thích hệ miễn dịch của con người.
Theo Bloomberg, sản phẩm của CNBG là một trong các ứng viên vắc xin đầu tiên bước vào giai đoạn thử nghiệm quan trọng trên người, chỉ khoảng 4 tháng sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán. Sau gần một năm xảy ra đại dịch, hơn 68 triệu người đã nhiễm bệnh và hơn 1,5 triệu người đã tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới.
Trung Quốc còn có hai nhà phát triển vắc xin khác đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối trên toàn cầu. Sinovac Biotech, một trong hai hãng còn lại, đang phân tích dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn ba ở Brazil và có thể công bố số liệu trong vài ngày tới.