Một quốc gia lo thiếu dầu vì Suez tắc nghẽn
Quốc gia Trung Đông Syria đã chìm trong nội chiến từ năm 2011 đến nay và rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Từ giữa tháng 3 này, chính phủ đã thông báo tăng giá xăng hơn 50% vì thiếu nhiên liệu.
Vụ tàu Ever Given mắc cạn khiến kênh đào Suez kẹt cứng càng làm cho tình hình năng lượng của Syria xấu đi.
AFP dẫn lời ông Bassam Tomeh - Bộ trưởng Dầu mỏ Syria cho biết vụ tắc nghẽn ở Suez "đã tác động tới hoạt động nhập khẩu dầu, làm chậm nhiều chuyến tàu chở dầu và chế phẩm dầu mỏ đến Syria".
Nước đồng minh Iran là nguồn cung cấp dầu chính của Syria. Thông thường, các tàu chở dầu từ Iran sẽ đi qua eo biển Hormuz tới khu vực Sừng Châu Phi, qua kênh đào Suez để đến Syria.
Nếu tình trạng tắc nghẽn ở Suez hiện nay kéo dài, các tàu sẽ phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến quãng đường di chuyển dài lên gấp 4 lần.
Bộ Dầu mỏ Syria đã ra lệnh "hạn chế phân phối các sản phẩm từ dầu" để đảm bảo duy trì những dịch vụ thiết yếu như hoạt động của các lò bánh và bệnh viện.
Trước chiến tranh, Syria tự chủ về năng lượng. Nhưng trong thập kỷ vừa qua, đất nước này đã để tuột mất khoảng 91,5 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ, Bộ trưởng Bassam Tomeh ước tính hồi tháng 2 năm nay.
Sản lượng khai thác dầu trước chiến tranh là 400.000 thùng một ngày, đến năm 2020 chỉ còn 89.000 thùng/ngày. Trong số này có đến 80.000 thùng đến từ khu vực của người Kurd, ngoài vùng kiểm soát của chính phủ.
Chính phủ Syria cáo buộc các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng của nước này.