Mô hình bán thịt bò trực tuyến phát triển ở Nhật Bản trong bối cảnh COVID-19
Bà Junko Katane, 45 tuổi, đã mở cửa hàng bán thịt Oniku Japan (có nghĩa là "Thịt Nhật Bản") tại Niigata vào năm 2016. Doanh thu của cửa hàng trong năm 2020 đã tăng gấp 10 lần so với năm trước đó, khi bà đẩy mạnh quảng cáo trên Facebook và ngày càng có nhiều người trở thành “đầu bếp tại gia” hơn trong thời kỳ đại dịch.
Kể từ khi ra mắt trang Facebook của cửa hàng vào tháng 6/2020, những người đam mê thịt trên khắp Nhật Bản đã vào xem và trao đổi ý kiến về nấu ăn, với các câu hỏi phổ biến như “thịt bò nướng thì phần nào ngon nhất?" hay máy thái thịt nào tốt?". Trang Facebook của Oniku Japan hiện có hơn 20.000 người theo dõi.
Các đơn hàng trực tuyến, chủ yếu là thịt bò, được đặt qua trang Facebook của cửa hàng. Bà Katane chia sẻ: “Tôi hy vọng mọi người sẽ cảm nhận được sự phấn khích khi cầm trên tay một miếng thịt lớn và trải nghiệm niềm vui khi nghĩ về cách chế biến chúng”.
Không giống như người dân ở các quốc gia như Mỹ và Australia (Ôx-trây-li-a) thường tiêu thụ số lượng thịt lớn, người tiêu dùng Nhật Bản thường mua thịt với số lượng nhỏ không quá vài trăm gram một lần.
Tuy nhiên, trên trang Facebook của Oniku Japan, bà Katane quảng cáo các sản phẩm của cửa hàng tính theo kg. Bà cũng đăng hình ảnh và giới thiệu chi tiết thông tin về thương hiệu của từng loại thịt, chẳng hạn như thăn bò hay nạc lưng bò.
Ví dụ, một miếng nạc vai bò Murakami, có nguồn gốc từ bò wagyu Nhật Bản được nuôi ở phía Bắc tỉnh Niigata, có giá khoảng 8.500 yen (82 USD)/kg, rẻ hơn nhiều so với mua với số lượng nhỏ hơn tại các siêu thị.
Khách hàng của Oniku Japan cũng có thể mua các loại thịt của các thương hiệu ít được biết đến hơn và thường không có sẵn tại các cửa hàng bán thịt thông thường. Các đơn hàng thường có khối lượng vào khoảng 2-3 kg.
Bà Katane hy vọng nhiều người dân Nhật Bản sẽ thấy được lợi ích của việc mua thịt theo số lượng lớn và niềm vui khi chế biến món ăn theo ý thích của họ khi mọi người dành nhiều thời gian ở nhà.