|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận PVTrans sụt giảm do hụt thu tài chính, lỗ chênh lệch tỷ giá

15:26 | 01/08/2022
Chia sẻ
Doanh nghiệp cho biết do hoạt động tài chính giảm một nửa so với cùng kỳ (chủ yếu do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay), trong khi chi phí lãi tiền vay, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng gần 3 lần khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (PVTrans - Mã: PVT) cho thấy doanh thu thuần đạt hơn 2.265 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh nghiệp cho biết do hoạt động tài chính giảm một nửa so với cùng kỳ (chủ yếu do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay), trong khi chi phí tài chính bao gồm lãi tiền vay, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng gần 3 lần lên 72 tỷ đồng khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút 16% về 265,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 213 tỷ đồng, giảm 23%.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý của PVTrans.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.287 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gần như đi ngang đạt 460 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt hơn 365 tỷ, giảm 3%. Như vậy với kết quả này, PVTrans đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 96% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.

 Doanh thu tài chính quý II/2022 giảm 1/2, trong khi chi phí tài chính PVT tăng mạnh. Nguồn: BCTC quý II/2022 của PVTrans.

Đánh giá về tình hình vận tải biển, lãnh đạo PVTrans cho biết trong ngắn hạn, thị trường quốc tế sẽ diễn biến thuận lợi với giá cước tăng ở hầu hết các phân khúc tàu, nguyên do xung đột Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp cấm vận đội tàu biển của Nga, đẩy nhu cầu vận tải biển ở các khu vực khác tăng lên.

Bên cạnh đó, sự thay đổi nguồn cung làm cho nhu cầu tàu, lượng hàng luân chuyển bằng đường biển thay đổi, tạo ra các tuyến giao thương đường biển thay thế, gia tăng cơ hội tham gia vận chuyển của các đội tàu quốc gia khác.

Chủ tịch HĐQT PVTrans đánh giá điều này sẽ có lợi cho các chủ tàu nhờ giá cước tăng mạnh. Đến năm 2023, suy thoái kinh tế có thể diễn ra, vận tải sẽ có sụt giảm những không ảnh hưởng đáng kể so với nhu cầu khổng lồ.

Còn với trong nước, giá cước tàu nội địa sẽ neo theo giá dầu. Về cơ bản, giá dầu biến động không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của công ty.

Tính tới ngày 30/6, tổng tài sản của PVTrans đạt gần 13.771 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, chủ yếu do tài sản cố định tăng. Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên, những tháng đầu năm, công ty đã đầu tư thêm 3 tàu. Theo kế hoạch cả công ty mẹ và công ty thành viên cần đầu tư khoảng 23 tàu.

Chiếm 1/4 tổng tài sản là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới một năm với hơn 3.500 tỷ đồng. Trong quý II, PVTrans thu về 14 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Các khoản phải thu ngắn hạn là 1.468 tỷ, hầu hết là thu ngắn hạn từ khách hàng, tăng 10%. Công ty cũng đang ghi nhận 108 tỷ đồng nợ xấu.

Quy mô nợ vay của PVTrans là 3.865 tỷ đồng, hầu hết là đi vay dài hạn, tăng 19%. Việc đẩy mạnh đi vay là do trong năm nay công ty có nhu cầu mua thêm tàu mới.

Cuối tháng 6, đại diện PVTrans cho biết trong khoảng 2 đến 3 tháng tới, công ty mẹ sẽ mua 2 đến 3 tàu mới và tự tin sẽ triển khai thu về lợi nhuận ổn. Tuy nhiên, do PVTrans không thuộc đối tượng ưu đãi, việc vay vốn cũng sẽ khó khăn hơn. Tính riêng trong quý vừa rồi, công ty này chịu lãi tiền vay 54 tỷ, gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Cuối kỳ, PVTrans có 1.128 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 1.094 tỷ đồng.

Minh Hằng