Lo ngại về chiến tranh thương mại, Chứng khoán Nhật Bản 'đang' bị bán tháo 35 tỷ USD
Đây là đợt bán tháo lớn nhất kể từ sự kiện Ngày thứ Hai đen tối năm 1987 tại phố Wall.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang rút chạy ra khỏi thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới do những lo ngại về chiến tranh thương mại cho đến việc tăng thuế suất vào năm tới.
Chỉ số Topix giảm gần 5% trong năm nay, một trong những chỉ số giảm điểm mạnh nhất tại các thị trường phát triển mà Bloomberg theo dõi.
"Tôi không ngạc nhiên khi họ bán tháo”, ông John Vail, chiến lược gia toàn cầu của Công ty quản lý tài sản Nikko cho biết. Ông chỉ ra rằng doanh thu của các công ty ở Mỹ tăng có thể khiến họ tập trung vào thị trường nội địa. “Tuy nhiên, mức độ của việc bán tháo khiến tôi bất ngờ”.
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo 35 tỷ USD từ đầu năm 2018 đến nay. |
Các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán cổ phiếu Nhật Bản khi đồng yên tăng giá. Đồng nội tệ Nhật đã tăng lên khiến các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải cân nhắc triển vọng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Trong khi đó đồng yên có giá 111 yên đổi 1 USD, không quá cao so với hồi đầu năm, mặc dù có một số đợt tăng mạnh. Điển hình, vào hồi tháng 3, đồng yên đã tăng lên 104,56 yên đổi 1 USD. Và kể từ giữa tháng 7, đồng yên mất giá và ở mức 113 yên đổi 1 USD và sau đó tăng trở lại.
Và điều đó đã có tác động. Theo số liệu cổ phiếu giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo và Nagoya, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 447 tỷ yên trong ba tuần tính đến ngày 17/8, đưa giá trị bán ròng trong năm nay lên mức cao nhất kể năm 1982.
Một số nhà bình luận cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang phạm sai lầm một lần nữa.
"Nhà đầu tư toàn cầu đang phạm sai lầm", ông Martin Malone, một chiến lược gia tại Mint Partners ở London, người luôn tin tưởng chứng khoán Nhật Bản sẽ là một thị trường giá lên trong dài hạn cho biết.
“Họ đã bỏ mất khoản lợi nhuận lớn trong giai đoạn 2015-2018," ông Martin Malone noid " Nếu các nhà đầu tư toàn cầu rót vào 20 - 30 tỷ USD, thì Nikkei có thể tăng vọt".
Việc bán tháo ở thị trường chứng khoán Nhật Bản diễn ra sau khi Topix lập đỉnh. Vào hồi tháng 1, chỉ số giao dịch ở mức cao nhất trong hơn 25 năm qua. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đã không tận dụng được ít nhất là một trong số các đợt bùng nổ của chứng khoán Nhật Bản.
Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền năm 2012, Topix đã tăng gấp đôi nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại mua mạnh trong 2013 và 2014 và bán ra trong hai năm sau đó.
Một số nhà bình luận khác lưu ý sự thay đổi nhận thức của nhà đầu tư trong nước tại Nhật Bản. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) với mục tiêu chi khoảng 6.000 tỷ yên cho chứng khoán Nhật Bản dưới hình thức các quỹ giao dịch, đã làm chậm quá trình mua vào của quỹ ETF trong năm nay.
“BOJ không nhất thiết phải thừa nhận điều này, diễn biến thị trường chứng khoán đã cho thấy rằng họ đang thay đổi chính sách”, ông Sean Darby, giám đốc chiến lược tại Jefferies Group cho biết. “Và rủi ro chính trị đã tăng lên”.
Bà Kathy Matsui, giám đốc chiến lược chứng khoán của Nhật Bản tại Goldman Sachs Group chỉ ra một vài lý do khác cho thấy sự bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả sự bất định về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt đối với Trung Quốc và các thị trường mới nổi, căng thẳng thương mại, những số dữ liệu kinh tế trái chiều, và lo ngại về tính bền vững trong tăng trưởng lợi nhuận của các công ty.
Nhưng bà Kathy Matsui dự đoán rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường sớm. Khả năng chiến thắng của Thủ tướng Abe trong cuộc bầu lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do vào tháng 9 tới có thể là một lý do để lạc quan.
Các chất xúc tác khác bao gồm khả năng điều chỉnh tăng lợi nhuận sau kiểm toán cũng như việc tăng cường mua lại cổ phiếu và trả cổ tức, bà Kathy Matsui cho biết.