|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn ngoại ào ạt chảy khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản

16:18 | 19/10/2016
Chia sẻ
Giới đầu tư chứng khoán quốc tế đang chọn cách từ bỏ thị trường Nhật. 

Trong năm tháng vừa rồi, có tới 4 tháng chứng khoán Nhật chứng kiến cuộc di cư của vốn ngoại, đợt rút vốn lớn nhất kể từ năm 1987. Hồi đó, các nhà đầu tư nước ngoài chạy khỏi thị trường do bong bóng giá cổ phiếu và do cú sốc Black Monday trên thị trường toàn cầu. Còn lần này, họ lo ngại trước chính sách kinh tế chưa mang lại kết quả của Thủ tướng Shinzo Abe, cùng việc đồng yen tăng giá.

Tổng cộng, các nhà đầu tư ngoại đã rút 59 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản từ đầu năm đến nay, lớn nhất trong số 33 thị trường mà Bloomberg theo dõi. Đây cũng là một phần lý do khiến Ngân hàng Trung ương Nhật liên tuc gia tăng mua các quỹ ETF thời gian gần đây, trong nỗ lực ngăn chỉ số Tokyo Topix không giảm 12% trong cả năm. Mặc dù vậy, với thực tế vốn ngoại rút vốn nhanh hơn tốc độ mua của BOJ, một số nhà đầu tư lớn nhất nhận định không có nhiều hy vọng cho sự phục hồi trong ngắn hạn của thị trường.

"Những đợt bán gần đây nhất cho chúng ta thấy các nhà đầu tư đã thất vọng đến thế nào về chính sách gọi là Abenomics", ông Toru Ibayashi, người đứng đầu bộ phận đầu tư Nhật Bản của ngân hàng UBS Group nhận định.

Sức mạnh đồng yen

"Nhật Bản đang trong rơi vào thế khó về vốn đầu tư nước ngoài", ông Yoshinori Shigemi, nhà phân tích thị trường toàn cầu ở JPMorgan Asset Management nhận xét.

Một trong những mối lo của nhà đầu tư, theo ông Shigemi, là đồng yen. Kể từ đầu năm đến nay, yen lên giá 16% so với đôla Mỹ và là đồng tiền tăng mạnh nhất tại châu Á. Vốn nhạy cảm với các số liệu xuất khẩu, chỉ số Topix bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dữ liệu của Bloomberg, thu nhập trên mỗi cổ phiếu giảm khoảng 18% kể tù tháng 9/2015.

Đồng nội tệ mạnh lên cũng làm suy yếu tính hiệu quả của chính sách kinh tế Abenomics do Thủ tướng Nhật khởi xướng. Chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ, tăng chi tiêu công cộng thêm chương trình tái cơ cấu cho đến nay đã thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng, đưa lạm phát lên 2% như kế hoạch. Hồi tháng 8, Chỉ số giá tiêu dùng giảm tháng thứ năm liên tiếp còn chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh nhất kể từ tháng ba.

Với một số nhà đầu tư nước ngoài, chính sách kích thích của BOJ khiến thị trường chứng khoán kém hấp dẫn. Lãi suất âm từ ngân hàng trung ương gây áp lực lên lợi nhuận ngân hàng. Cùng lúc đó, việc phê duyệt chương trình mua ETF lên đến 58 tỷ USD một năm khiến nhiều người lo ngại rằng việc này sẽ làm méo mó định giá thị trường của các công ty và khiến một số mã trở nên khó giao dịch. Trong bài phỏng vấn tháng trước, Chủ tịch của công ty đầu tư Templeton Emerging Markets Group, ông Mark Mobius nhận xét chương trình mua lại này của BOJ là "điên rồ".

Theo ông Akira Amari, thành viên Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe cho rằng giới đầu tư nước ngoài nên cho Abenomics thêm thời gian để vượt qua những khó khăn hiện tại, trong đó có việc tăng trưởng toàn cầu trong xu thế yếu chung.

"Có sự chậm trễ, nhưng chính sách Abenomics không sai ", ông Amari và cũng từng là Bộ trưởng Kinh tế Nhật nói.

Các nhà đầu tư ngoại từng chứng minh mình đúng vào năm 1987. Chỉ sau vài năm kể từ khi họ rút chân, bong bóng chứng khoán đã vỡ. Còn lần này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda đã cam kết sẽ thúc đẩy việc mua lại tài sản nếu cần để kích thích tăng trưởng.

"Đợt bán của khối ngoại rõ ràng đã bị làm quá", Mikio Kumada, giám đốc tại quỹ LGT Capital Partners ở Hong Kong - quản lý 50 tỷ USD tài sản nhận xét. Theo ông này, chính sách của BOJ sẽ phát huy tác dụng. Đồng yen sẽ giảm giá và chứng khoán sẽ lại phục hồi.

Còn với ông Ibayashi từ UBS, đà tăng vững chắc chỉ có thể có được khi chính phủ Nhật thực hiện những trọng tâm trong chính sách tái cơ cấu. Cho đến nay, ông Abe vẫn chưa thi hành một trong những chính sách được chờ đợi nhất là "đại tu" lại thị trường lao động. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách này hết sức cần thiết để nâng cao lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp.

Trong khi đó, vốn ngoại chảy khỏi thị trường có thể gia tăng thách thức với cuộc cải cách ở Nhật Bản. "Các nhà đầu tư nước ngoài là lực đẩy lớn của cuộc cải cách doanh nghiệp", ông Ibayashi nói. "Khi họ thất vọng, bỏ cuộc và rời Nhật Bản. Đó có phải là điều tốt không? Tôi không nghĩ vậy", ông nói tiếp.

Vân Vũ


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/