|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một quỹ Đài Loan sắp huy động 5.000 tỷ vào TTCK, đánh giá Việt Nam là 'viên kim cương của châu Á'

20:08 | 18/01/2022
Chia sẻ
Từ ngày 10/1, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund đến từ Đài Loan, sẽ bắt đầu huy động vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô mệnh giá phát hành khoảng 6 tỷ Đài tệ (tương đương khoảng 5.000 tỷ VND).

Sau một năm khối ngoại rút ròng kỷ lục, bắt đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chào đón thêm quỹ mới từ Đài Loan, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV Fund). Quỹ được cố vấn bởi VinaCapital, một trong những định chế tài chính lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Quỹ sẽ bắt đầu huy động vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ 10/1 với quy mô mệnh giá phát hành khoảng 6 tỷ Đài tệ (tương đương khoảng 5.000 tỷ VND). 

Theo điều lệ quỹ, trong vòng 6 tháng kể từ ngày thành lập, quỹ sẽ phải giải ngân ít nhất 50% tài sản của quỹ và đầu tư tối thiểu 60% NAV vào các cổ phiếu niêm yết hoặc các chứng chỉ lưu ký nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Danh mục đầu tư của quỹ phân bổ vào nhiều ngành như vật liệu xây dựng, bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Trong đó, Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất gồm HPG (9%), VHM (6%), MBB (5%), VCB (5%), KBC (4%)...

Một quỹ Đài Loan sắp huy động 5.000 tỷ vào TTCK, đánh giá Việt Nam là "viên kim cương của châu Á" - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ website của Jih Sun Vietnam Opportunity Fund).

Đánh giá về thị trường chung, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund ví Việt Nam như "viên kim cương của châu Á", sở hữu 4 yếu tố vượt trội là tăng trưởng kinh tế, dân số, vốn nước ngoài và thị trường chứng khoán.

Quỹ nhận định tốc độ tăng trưởng EPS năm 2022 của Việt Nam ước tính đạt 23,4%, cùng với đó P/E chỉ khoảng 16,8 lần, là mức định giá hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực.

Về kinh tế, theo "Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu" mới nhất do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năm 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc lên vị trí 67 trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng trưởng nhanh so với năm 2018 và là quốc gia có sự cải thiện đáng kể nhất về khả năng cạnh tranh.

Về dân số, quỹ cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu Việt Nam và sự gia tăng thu nhập mang lại nguồn vốn dồi dào cho thị trường chứng khoán. Nhìn lại kinh nghiệm của Trung Quốc trong quá khứ, khi GDP bình quân đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD vào năm 2005, làn sóng đầu tư vào chứng khoán đã trở thành xu hướng.

Bên cạnh đó, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund nhận định Việt Nam là "con cưng của dòng vốn ngoại". Năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư đã được cải thiện với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh, thu hút các công ty quốc tế như Intel, Samsung, LG,...

Cuối cùng, quỹ cho biết Việt Nam sẽ được nâng hạng thị trường mới nổi của MSCI trong 1 - 2 năm tới. Từ phân tích kinh nghiệm trong quá khứ, khi một quốc gia được đề cử vào Danh sách theo dõi chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI, thị trường chứng khoán thường sẽ có một đợt tăng mạnh trong hai năm tới, thu hút được dòng vốn ngoại.

Bảo Ngọc

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.