|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng vốn tỷ USD từ Đài Loan chưa ngừng chảy vào chứng khoán Việt Nam

08:20 | 28/07/2021
Chia sẻ
Hơn một năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đón dòng vốn lớn quy mô hàng tỷ USD từ Đài Loan. Lượng tiền mới gia nhập thị trường thông qua hai kênh tài trợ vốn cho các công ty chứng khoán và mua vào từ các quỹ đầu tư mở mới.

Dòng vốn khủng tỷ USD từ Đài Loan đổ vào Việt Nam

Trước đó, các nhà đầu tư xứ Đài đã tìm đến Việt Nam, song, việc rót vốn từ thị trường phát triển này vào Việt Nam thực sự rõ nét hơn giai đoạn gần đây. Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khoảng 2,3 tỷ USD trong năm 2020 và nửa đầu 2021, dòng vốn mới sẽ góp phần hỗ trợ đà tăng trưởng của thị trường.

Theo thống kê của người viết, lượng vốn huy động từ các quỹ đầu tư mở mới từ Đài Loan và giải ngân vào Việt Nam đã đạt khoảng 1 tỷ USD.

Tháng 9/2020, một quỹ mới từ Đài Loan có tên CTBC Vietnam Equity Fund bắt đầu giải ngân vào TTCK Việt Nam. Quy mô của quỹ này tăng nhanh chóng sau đó, đạt 12,6 tỷ Tân Đài tệ (tương đương 10.337 tỷ đồng) tính đến cuối tháng 6.

Giữa tháng 4 năm nay, quỹ mới nữa là Fubon FTSE Vietnam ETF cũng mua vào cổ phiếu trên thị trường Việt Nam. Ngay trong đợt IPO, quỹ ngoại này đã huy động được 10 tỷ Tân Đài tệ (8.261 tỷ đồng).

Kể từ cuối tháng 6, Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục huy động được tiền mới và giải ngân vào Việt Nam. Cập nhật tại ngày 26/7, quy mô của quỹ đạt gần 15 tỷ Tân Đài tệ (gần 13.000 tỷ đồng), trở thành ETF giải ngân mạnh nhất vào TTCK Việt Nam.

Nhờ hoạt động giải ngân từ Fubon FTSE Vietnam ETF, dòng vốn ngoại vào Việt Nam đã đảo chiều trong tháng 7 sau nhiều tháng bị bán ròng liên tiếp.

Hàng trăm triệu USD giải tỏa cơn khát margin

Dòng vốn tỷ USD từ Đài Loan chưa ngừng chảy vào chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Huy động vốn Đài Loan của các CTCK nội một năm trở lại đây. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Như đã đề cập bên trên, nguồn vốn từ Đài Loan không chỉ đổ vào TTCK Việt Nam qua các quỹ mới mà còn gián tiếp thông qua các hợp đồng tài trợ vốn cho các công ty chứng khoán. Mới đây, thị trường đón nhận thông tin Chứng khoán SSI (Mã: SSI) huy động được thêm 100 triệu USD từ các định chế tài chính Đài Loan. 

Trong thông báo được công ty phát đi, đơn vị đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay là Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon). Ngoài ra còn có sự tham gia của các ngân hàng lớn như Bank of Taiwan, Taiwan Shin Kong Commercial Bank. Hua Nan Commercial Bank.

Một trong những mục đích sử dụng của khoản tiền 100 triệu USD này là cho vay cho vay ký quỹ (margin). Vào cuối năm ngoái, công ty chứng khoán này cũng huy động vốn 85 triệu USD từ nhóm 9 ngân hàng từ Đài Loan, đứng đầu là Union Bank of Taiwan (UBOT). Năm 2019, SSI đã huy động 55 triệu USD vốn quốc tế.

Với nguồn vốn huy động được cuối năm ngoái, Chứng khoán SSI đẩy mạnh cho vay margin và trở thành công ty có quy mô cho vay lớn nhất thị trường, đạt 15.539 tỷ đồng tại ngày 30/6.

Nửa đầu năm nay, các công ty chứng khoán nội tích cực huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Trong tháng 3 và 4, VietinBank Securities (mã: CTS) huy động được 90 triệu USD từ các ngân hàng Đài Loan và Hàn Quốc. Mục đích sử dụng là mở rộng các mảng hoạt động kinh doanh.

Vào tháng 5, Chứng khoán HSC (mã: HCM) ký hợp đồng vay tín chấp 44 triệu USD (khoảng 1.015 tỷ đồng) từ nhóm 7 tổ chức tài chính Đài Loan, đứng đầu là First Commercial Bank (FCB). Mục đích sử dụng vốn là bổ sung năng lực tài chính, mở rộng các dịch vụ đầu tư tài chính, quy mô hoạt động.

Hay Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng vay thêm 459 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD) từ Taishin International Bank Co. Ltd. Trong quý II, cùng với SSI, TCBS là một trong những công ty rót tiền cho vay margin hàng đầu.

Như vậy, tổng cộng hợp đồng tài trợ vốn công ty chứng khoán và giải ngân qua các quỹ, dòng vốn từ Đài Loan đã giải ngân hơn 1,3 tỷ USD vào TTCK Việt Nam chỉ trong ít tháng.

Khoản vốn này đã giúp giải tỏa cơn khát margin trên thị trường. Riêng với các công ty chứng khoán đang trong tiến trình tăng vốn, dòng tiền ngắn hạn này đã giúp giảm sức căng margin.

Dòng vốn tỷ USD từ Đài Loan chưa ngừng chảy vào chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Trở lại câu chuyện tăng vốn của các công ty chứng khoán, để đáp ứng nhu cầu về vốn của nhà đầu tư, loạt công ty thông qua phương án tăng vốn điều lệ, chủ yếu thông qua phương án phát hành cho cổ đông.

Theo thống kê 19 CTCK có kế hoạch tăng vốn thêm hơn 1 tỷ USD so với cuối năm 2020. Nhưng rõ ràng rằng, hoạt động phát hành còn phụ thuộc khá nhiều yếu tố như điều kiện thị trường, năng lực tài chính của các cổ đông lớn… Bên cạnh đó là thời gian phê duyệt từ các cơ quan nhà nước (UBCKNN), tổ chức phát hành.  Tới đây, các khoản tài trợ vốn thông qua các khoản vay ngắn hạn có ưu điểm về mặt thời gian, giải quyết nhu cầu vốn của thị trường.

Trên thực tế, vấn đề vốn có ý nghĩa lớn với các CTCK không chỉ ở hoạt động cho vay margin. Bởi với nguồn vốn dồi dào sẽ giúp công ty phát triển nhiều hoạt động khác như bảo lãnh phát hành, ngân hàng đầu tư, tự doanh. Với việc hạn chế về vốn, không ít công ty chứng khoán không thể thúc đẩy hoạt động margin dù "room" (margin/vốn chủ sở hữu) vẫn còn nhiều.

Dòng vốn tỷ USD từ Đài Loan chưa ngừng chảy vào chứng khoán Việt Nam - Ảnh 3.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Lợi Hoàng