|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lý giải vì sao quỹ Đài Loan đang ồ ạt giải ngân vào Việt Nam bất chấp dịch bệnh và thị trường lao dốc?

08:05 | 20/07/2021
Chia sẻ
Kể từ đầu tháng 7, dòng vốn ngoại có sự đảo chiều sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp. Xu hướng này liên quan đến việc Fubon FTSE Vietnam ETF đang huy động được một lượng tiền lớn để giải ngân vào TTCK Việt Nam. Theo chuyên gia của Dragon Capital, các NĐT Đài Loan giải ngân vào Việt Nam do từng trải qua diễn biến tương tự trong tháng 5.

Vốn ngoại trở lại TTCK Việt Nam sau đợt rút ròng mạnh nhất lịch sử

Trước năm 2020, thị trường cận biên, mới nổi là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại. Đơn cử, khối ngoại mua ròng nhiều năm liên tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, dòng vốn vào các thị trường đã có sự đảo chiều. Các nhà đầu tư bán ròng mạnh và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Thống kê năm 2020, khối ngoại bán ròng hơn 19.300 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam, trong đó giá trị rút ròng với cổ phiếu là 23.290 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Động thái rút ròng của khối ngoại mạnh hơn trong nửa đầu năm nay với giá trị 29.332 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD).

Lý giải vì sao quỹ Đài Loan đang ồ ạt giải ngân vào Việt Nam bất chấp dịch bệnh và thị trường lao dốc? - Ảnh 1.

Diễn biến dòng vốn ngoại từ 1 - 16/7 tại các thị trường trong khu vực. Nguồn: Lợi Hoàng.

Sang đến tháng 7, dòng vốn ngoại có tín hiệu tích cực, khối này đã mua ròng trở lại trên TTCK Việt Nam. Tổng giá trị vốn ngoại vào ròng là 6.832 tỷ đồng (khoảng 290 triệu USD), tính đến kết phiên 16/7. Riêng trên sàn HOSE, giá trị mua ròng cổ phiếu là hơn 6.600 tỷ đồng.

Theo dõi 6 tháng đầu năm và năm 2020, dòng vốn ngoại đồng thuận rút khỏi các thị trường trong khu vực (ngoại trừ Indonesia, Trung Quốc). Đợt đảo chiều lần này, các NĐT ngoại có sự chọn lọc khi vào ròng tại Việt Nam trong khi vẫn giữ nhịp bán tại các thị trường.

Từ ngày 1 – 16/7, giá trị mua ròng trên sàn HOSE vào khoảng 287 triệu USD, gấp hơn 4 lần thị trường Indonesia. Trong khi đó, một số thị trường khác vẫn chứng kiến xu hướng bán ròng từ khối ngoại như Thái Lan (73,5 triệu USD), Malaysia (130 triệu USD), Philippines (169 triệu USD). Hay các thị trường lớn tại châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng bị bán lần lượt 454 triệu USD, 1,9 tỷ USD và 2,9 tỷ USD.

Điểm sáng từ dòng vốn Đài Loan

Trước xu hướng của vào ròng của khối ngoại, câu hỏi được quan tâm là dòng vốn ngoại này đến từ đâu? Theo quan sát, khi vốn từ châu Âu, Mỹ và các khu vực khác có sự suy yếu. Dòng tiền từ Đài Loan lại nổi lên như một điểm sáng.

Cụ thể, hoạt động mua ròng của khối ngoại nửa đầu tháng 7 chủ yếu đến từ dòng tiền mới được huy động qua Fubon FTSE Vietnam ETF. Đây là đợt huy động tiền lớn thứ hai của quỹ ETF này sau khi IPO và giải ngân vào thị trường Việt Nam từ giữa tháng 4.

Lý giải vì sao quỹ Đài Loan đang ồ ạt giải ngân vào Việt Nam bất chấp dịch bệnh và thị trường lao dốc? - Ảnh 2.

Số lượng chứng chỉ quỹ của Fubon FTSE Vietnam ETF liên tục tăng trưởng. Nguồn: Lợi Hoàng.

Trong đợt IPO, Fubon FTSE Vietnam ETF đã huy động được hơn 10 tỷ Tân Đài tệ (khoảng 8.261 tỷ đồng), tương ứng quy mô hơn 666,2 triệu chứng chỉ quỹ.

Từ cuối tháng 6, Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục huy động được tiền mới. Quy mô của ETF tăng thêm 222,5 triêu chứng chỉ quỹ, tương đương số tiền 2.900 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ tính đến ngày 16/7 vào khoảng 11.270 tỷ đồng (gần 490 triệu USD).

Theo đó, Fubon FTSE Vietnam ETF trở thành ETF tăng trưởng quy mô nhanh nhất TTCK Việt Nam. Trước đó, ETF nội khác là VFMVN Diamond cũng huy động một lượng tiền lớn chỉ sau ít tháng ra mắt. Tổng NAV của VFMVN Diamond ETF tại ngày 16/7 là 13.330 tỷ đồng.

Theo nguồn tin không chính thức, Fubon FTSE Vietnam ETF vẫn đang huy động được thêm tiền và tiếp tục giải ngân trong những phiên giao dịch sắp tới.

Từ việc gọi được tiền mới của Fubon FTSE Vietnam ETF lần này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Đài Loan. Tháng 8/2020, quỹ mới từ Đài Loan có tên CTBC Vietnam Equity Fund cũng đã tiến hành IPO và bắt đầu giải ngân vào Việt Nam. CTBC Vietnam Equity Fund được quản lý, tư vấn bởi một tổ chức có nhiều năm kinh nghiệm trên TTCK Việt Nam là Dragon Capital.

Chưa đầy một năm ra mắt, quy mô của CTBC Vietnam Equity Fund tăng trưởng nhanh chóng. Tại ngày 30/6/2021, tổng NAV của quỹ ngoại này gần 12,6 tỷ Tân Đài tệ (10.337 tỷ đồng). Như vậy, lượng vốn đổ vào TTCK Việt Nam qua hai quỹ mở mới từ Đài Loan là gần 1 tỷ USD.

Song song với đó, dòng vốn từ Đài Loan còn gián tiếp đổ vào TTCK Việt Nam trong qua các hợp đồng cho vay tín chấp với các công ty chứng khoán trong nước như SSI, HSC, VietinBank Securities.

Không chỉ hai quỹ mới từ Đài Loan, trước đó vào đầu năm 2020, công ty quản lý quỹ liên quan đến tỷ phú Jack Ma – Tianhong AM đã ra mắt quỹ đầu tư cổ phiếu Tianhong Vietnamese Market Equity (QDII Fund) để rót vốn vào nhóm VN30.

Hiện quy mô quỹ thành viên của Tianhong vào khoảng 1.13 tỷ Nhân dân tệ tức khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, quỹ này chuyên giải ngân vào các mã VN30 gồm: HPG (9.23%), MBB (7.19%), SSI (6.43%), VNM (6.08%), VIC (6.02%), VPB (5.99%), MSN (5%), HDB (4.58%), CTG (4.35%), VHM (4.27%)….

Liên quan đến Alibaba, trong tháng 5 vừa qua, tổ chức này và Baring Private Equity Asia, đã ký thỏa thuận với Masan Group (MSN) mua cổ phần phát hành mới của The CrownX - công ty con của Masan - với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương sở hữu 5,5% vốn sau phát hành.

Vì sao dòng tiền tỷ USD từ Đài Loan liên tiếp đổ vào thị trường?

Trở lại với xu hướng dòng tiền ngoại, việc thị trường chứng khoán Việt Nam đón dòng vốn mới sau khi trải qua giai đoạn bán ròng mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây cho thấy một tín hiệu khả quan. Những yếu tố như vĩ mô ổn định, tiềm năng phục hồi của nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết dường như vẫn là điểm thu hút dòng vốn.

Trước xu thế đảo chiều của dòng tiền, chuyên gia của Dragon Capital cho rằng: "Trong thời gian vừa qua khi mà các nhà đầu tư cá nhân với tâm lý đám đông đã vội vã bán tháo các cổ phiếu khi lo ngại về tình hình dịch bệnh trong nước có diễn biến tiêu cực. Đợt bán tháo này kéo dài hơn hai tuần và VN-Index đã mất 12,7% so với đỉnh ngày 2/7.

Ở trái ngược thái cực, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài điển hình là dòng vốn từ Đài Loan, nơi mà cách đây hơn 1 tháng họ đã từng trải qua hoàn cảnh dịch bệnh tiêu cực tương tự Việt Nam và hiện tại lại có đánh giá và cái nhìn ngược lại khi liên tục lạc quan rót vốn mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam trong một tuần trở lại đây.

Cũng có thể hiểu được động thái này vì thị trường chứng khoán Đài Loan họ đã chứng kiến ở giai đoạn cách đây hơn 1 tháng do lo ngại sự tiêu cực từ dịch bệnh bùng phát chỉ số chứng khoán Đài Loan (FTSE TWSE Taiwan 50 Index) giảm 12,74% trong khoảng hai tuần từ 27/4 đến 17/5, sau đó bật tăng trở lại 17,5% và thậm chí chỉ số này vượt qua và chinh phục đỉnh lịch sử mới trong ngày cuối tuần qua.

Như vậy, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vì những yếu tố lạc quan và dài hạn của thị trường Việt Nam như yếu tố vĩ mô ổn định, tiềm năng phục hồi của nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết. Đây có thể là mở đầu của xu hướng mua ròng lớn của dòng vốn ngoại, nhất là khi Việt Nam còn có cơ hội được nâng hạng thị trường trong 1-2 năm tới."

Lợi Hoàng