|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lo gạo Ấn Độ làm hại thương hiệu gạo Việt, có nên ra quy định hạn chế nhập khẩu?

15:05 | 30/06/2021
Chia sẻ
Với mức giá thấp hơn so với gạo Việt Nam cả trăm USD/tấn và thuế nhập khẩu 0% nên gạo Ấn Độ vẫn cạnh tranh tốt khi về đến Việt Nam. Đây được xem là một trong những lý do khiến mặt hàng này đổ xô vào thị trường nước ta thời gian gần đây.

Những ngày qua, thông tin Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ tăng đột biến khiến Bộ Công Thương phải vào cuộc kiểm tra 5 doanh nghiệp đang gây xôn xao dư luận. 

Trong đó, điều gây chú ý nhất chính là ở con số nhập khẩu gạo bất ngờ tăng hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá trong quý I/2021 với sản lượng được Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ công bố là gần 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD.

Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa, đủ phục vụ tiêu dùng trong nước và còn dư 6-7 triệu tấn để xuất khẩu.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Cơ bản Việt Nam đã hoàn thành vụ lúa đông xuân, đến thời điểm này đạt khoảng 20,5 triệu tấn, tăng khoảng 700.000 tấn so với năm 2020. Do đó, về nguồn cung lúa gạo hiện nước ta dồi dào hơn năm ngoái nên có thể nói rằng Việt Nam không có chuyện thiếu hụt nguồn cung trong nước".

Hiện, lượng gạo tồn kho đang ở mức khá cao khi mùa vụ thu hoạch lúa của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang cận kề thì số lượng nhập khẩu gạo quá lớn từ Ấn Độ đang dấy lên nhiều lo ngại đối với gạo Việt.

Nhiều nguy cơ đang hiện hữu không chỉ tại thị trường trong nước mà cả uy tín thương hiệu gạo Việt tại các thị trường xuất khẩu bởi nghi vấn giả xuất xứ đang hiện hữu từ việc tăng đột biến gạo từ Ấn Độ như hiện nay.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết: "Đã xuất hiện nghi vấn doanh nghiệp mua gạo Ấn Độ rồi xuất đi nhưng lấy danh nghĩa gạo trắng Việt để trục lợi".

Do đó, đại diện doanh nghiệp này cho rằng: "Cần cấm nhập khẩu gạo từ các nước xuất khẩu gạo vào thị trường Việt Nam như là biện pháp bảo vệ người trồng lúa trong nước".

Tuy nhiên ông Có cũng chỉ ra việc cần phân biệt rõ hàng nhập khẩu hay hàng xuất đi bị trả về. 

"Nếu hàng xuất đi bị trả về còn nguyên bao bì, nhãn hiệu và khớp với tờ khai xuất khẩu thì các cơ quan chức năng phải cho thông quan nhanh chóng (3-5 ngày làm việc), tránh gây thiệt hại thêm cho nhà xuất khẩu. Bởi lẽ xuất khẩu hàng gạo đi nước ngoài không tránh khỏi trường hợp bị trả hàng về", ông Phan Văn Có chia sẻ.

Đây cũng là quan điểm của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, khi đề xuất: "Các cơ quan quản lý Nhà nước cần cấm ngay, cho dừng ngay việc nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác về Việt Nam, không riêng gì Ấn Độ bởi vì Việt Nam luôn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, luôn cố gắng đàm phán với các nước để được bán gạo đi thì tạo sao giờ lại nhập vào".

Lo gạo Ấn Độ làm hại thương hiệu gạo Việt, có nên ra quy định hạn chế nhập khẩu? - Ảnh 1.

Nhập khẩu gạo từ Ấn Độ bất ngờ tăng hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá trong quý I/2021. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Liên quan đến những đề xuất bảo vệ gạo Việt trước nguy cơ bị tổn thất do sự ồ ạt gia nhập sân nhà của gạo Ấn Độ, một lãnh đạo của Bộ Công Thương cho biết từ trước đến nay Việt Nam chưa có quy định nào về việc hạn chế hoặc cấm việc nhập khẩu gạo từ các nước.

Thực tế theo nhu cầu của mỗi doanh nghiệp để nhập khẩu gạo về làm thức ăn chăn nuôi, làm bánh... và hiện pháp luật không cấm thì họ vẫn có thể nhập khẩu về.

"Trong khi đó, với đề xuất của doanh nghiệp xung quanh việc hạn chế hoặc cấm nhập khẩu gạo, có thể hiểu được từ góc độ muốn bảo vệ mặt hàng lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên ở góc độ hội nhập thì điều này không phù hợp khi các nước mở cửa thị trường cho Việt Nam thì nước ta cũng phải làm điều tương tự. 

Nếu mình muốn cấm nhập khẩu thì phải có lý do chính đáng như không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhưng cũng chỉ áp dụng được một thị trường chứ không thể áp dụng với tất cả các nước trên thế giới", vị này chia sẻ.

Do đó, việc quan trọng hiện nay là cần xác định rõ mục đích sử dụng của lượng gạo nhập khẩu này, nếu doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng cho nhu cầu làm bánh, thức ăn chăn nuôi... hoặc xuất khẩu với thương hiệu gạo Ấn Độ thì không có vấn đề gì. 

"Tuy nhiên, nếu họ xuất dưới bao bì xuất xứ Việt Nam hoặc trộn vào gạo Việt Nam thì đó là hành vi gian lận. Như vậy cần phạt nặng để răng đe các doanh nghiệp khác", lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giữa Ấn Độ và ASEAN (Việt Nam là thành viên của ASEAN) đã ký Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN- Ấn Độ (AIFTA). Theo đó, Việt Nam đã ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện AIFTA giai đoạn 2018-2022.

Cụ thể, ở nội dung về mặt hàng lúa gạo, từ thời điểm ngày 31/12/2018 trở về sau, tất cả các loại lúa gạo, bao gồm gạo tấm, thóc, gạo lứt, gạo đồ, gạo Hom Mali, nếp và các loại gạo khác được áp dụng với mức thuế nhập khẩu là 0%.

Do đó, các loại gạo được doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ Ấn Độ thời gian qua đều có thuế nhập khẩu là 0%.

Còn theo số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ngày 28/6, gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với mức giá 388 USD/tấn và 100% tấm là 273 USD/tấn. Trong khi đó, mức giá của Việt Nam ở hai phân khúc này lần lượt là 468 và 408 USD/tấn.

Như vậy, với mức giá thấp hơn so với Việt Nam từ 80 - 135 USD/tấn, trong khi đó, thuế nhập khẩu vào Việt Nam là 0%, thì theo một số doanh nghiệp trong ngành, sau khi trừ đi chi phí vận chuyển, gạo Ấn Độ vẫn cạnh tranh hơn khi về đến Việt Nam.

Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.