Lệnh AON (All Or None Order) là gì? Những đặc điểm cần lưu ý
Hình minh họa. Nguồn: Admiralmarkets.com
Lệnh AON
Khái niệm
Lệnh AON, tiếng Anh gọi là all or none order, dịch theo nghĩa đen là khớp tất cả hoặc là không.
Lệnh AON là một lệnh được sử dụng kèm lệnh mua/bán để chỉ thị cho bên môi giới thực hiện khớp toàn bộ lệnh hoặc là không khớp hoàn toàn.
Ví dụ, nếu như số cổ phiếu hiện hữu quá ít và không thể đáp ứng toàn bộ số lượng trên lệnh, thì lệnh này sẽ bị hủy khi thị trường đóng cửa.
Hiểu rõ hơn về lệnh AON
Lệnh AON là một lệnh kèm thời gian thời gian hiệu lực vì người giao dịch sẽ đưa chỉ thị cho bên môi giới về cách thực hiện lệnh này, và điều này ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của lệnh.
Nếu lệnh AON không thể được thực hiện ngay lúc đặt lệnh thì nó vẫn sẽ tồn tại trong suốt phiên giao dịch cho đến khi nó được khớp hoặc bị hủy. Vì vậy nó sẽ ngăn việc khớp một phần, điều này cực kì hữu ích khi thực hiện giao dịch trên những cổ phiếu ít thanh khoản. Nhưng nó có một nhược điểm lớn là vì có thêm những yêu cầu đặc biệt nên thuờng nó sẽ cần nhiều thời gian để khớp được hơn những lệnh bình thường.
Giả sử một nhà đầu tư đặt một lệnh AON để mua 200 cổ phiếu Microsoft với giá 100$ mỗi cổ phiếu. Lệnh này sẽ không được thực hiện trừ khi có thể mua toàn bộ 200 cổ phiếu này với giá 100$. Nhà đầu tư đã xác định cụ thể số lượng và mức giá yêu cầu để thực hiện lệnh. 200 cổ phiếu là một con số khiêm tốn nếu so với khối lượng giao dịch hằng ngày của Microsoft, vì thế lệnh này có khả năng cao sẽ được khớp nếu trong ngày cổ phiếu giao dịch với mức giá 100$.
Tuy nhiên với những lệnh AON lớn thì lại rất khó để thực hiện vì nó chiếm một tỉ lệ lớn trong khối lượng giao dịch hàng ngày của cổ phiếu đó. Có thể Microsoft sẽ giao dịch với mức giá 100$ trong ngày, nhưng để khớp được 100.000 cổ phiếu với giá 100$ bằng lệnh AON thì sẽ khó hơn rất nhiều so với việc chỉ mua 200 cổ phiếu.
Vai trò trong phân tích kĩ thuật
Nhiều nhà quản lí danh mục đầu tư sử dụng phương pháp phân tích kĩ thuật để xem xét mẫu hình giá của cổ phiếu và khối lượng giao dịch. Và việc sử dụng lệnh AON để vào hàng hay thoát hàng cũng rất cần thiết. Khi giá cổ phiếu vượt lên trên hay xuống dưới một mức nào đó, nó có thể là một chỉ báo xu hướng.
Ví dụ, giả sử một cổ phiếu đã giao dịch trong tầm giá từ 20$ đến 25$ vài tuần nay, nhưng lại vừa vượt lên trên 27$. Những nhà phân tích kĩ thuật gọi mẫu hình này là phá ngưỡng, nghĩa là giá sẽ còn tiếp tục đi lên. Người quản lí danh mục có thể đặt một lệnh AON để mua toàn bộ số lượng ở mức giá 27$ nhằm kiếm được lợi nhuận trong đợt giá tăng sau đó.
(Theo Investopedia)