Lạm phát toàn cầu 'thử thách' các ngân hàng trung ương?
Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương, các nhà hoạch định chính sách cho rằng lạm phát cao chỉ mang tính tạm thời và kiên định các biện pháp hỗ trợ cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.
Lạm phát tăng mạnh trên khắp thế giới
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng Sáu tăng 0,9% so với tháng Năm, mức tăng mạnh nhất trong một tháng và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong khoảng 13 năm trở lại đây.
Cũng tại châu Mỹ, theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Canada (Ca-na-đa), tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng lên 3,6% trong tháng 5/2021, mức cao nhất trong một thập niên. Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng mạnh là do chi phí sinh hoạt, thực phẩm, năng lượng và hàng tiêu dùng đều tăng cao hơn so với bình thường.
Còn theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng trong tháng 5/2021, lên mức 2,3%, so với mức 2% trong tháng 4/2021. Theo Eurostat, giá năng lượng tăng đột biến và nhiều dịch vụ đắt đỏ hơn đã thúc đẩy lạm phát giá tiêu dùng tại châu Âu.
Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát của Đức -nền kinh tế lớn nhất EU- trong tháng 5/2021 đã tăng lên mức cao nhất trong một thập niên, do giá nhiên liệu tăng lên và những hiệu ứng chỉ xảy ra một lần liên quan đến đại dịch COVID-19.
Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết giá tiêu dùng tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu này tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 0,5% so với tháng 4/2021, khi kinh tế Đức phục hồi sau đợt bùng phát dịch COVID-19.
Tại Anh, số liệu chính thức cho thấy, lạm phát hàng năm ở mức 2,5% trong tháng 6/2021, cao hơn mục tiêu của Ngân hàng trung ương (BoE) đặt ra trước đó, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại theo từng giai đoạn khiến giá hàng hóa, cũng như giá nhiên liệu động cơ và giá dầu tăng vọt.
Ở châu Á, lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 6/2021 vẫn gần mức "đỉnh" của 9 năm và ở mức trên 2% trong tháng thứ ba liên tiếp, làm gia tăng sức ép lên các nhà hoạch định chính sách phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Theo số liệu thống kê chính thức của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), giá tiêu dùng tại nước này tăng 2,4% trong tháng 6/2021, so với mức tăng 2,6% trong tháng 5/2021, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/2012.
Tại Mỹ Latinh, Chính phủ Brazil (Bra-xin)cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5/2021 đã đạt mức 8%, mức cao nhất theo tháng kể từ năm 2016, tiếp tục vượt mức trần của mục tiêu 5,25% mà ngân hàng trung ương nước này đưa ra trước đó. Các nước trong khu vực như Brazil mất nhiều năm đương đầu với siêu lạm phát, còn các nước khác như Argentina (Ác-hen-ti-na) vẫn đang phải đối mặt với lạm phát ở mức hai con số.
Chờ đợi quyết sách từ các ngân hàng trung ương
Việc giá cả tăng mạnh tại Mỹ được cho là hệ quả tất yếu khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi từ trạng thái suy giảm được ghi nhận trong năm 2020 do tác động của các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh, dẫn tới đình trệ các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng giá cả có thể tiếp tục tăng trong vài tháng tới, nhưng vẫn nhận định lạm phát cao chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần, quay trở lại ngưỡng bình thường trong trung hạn.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong tháng Bảy cho biết, lạm phát ở nước này sẽ vẫn ở mức "cao" trong những tháng tới nhưng sẽ giảm khi các nút thắt về nguồn cung và các vấn đề khác được giải quyết.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội, ông Powell cũng cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn còn "một chặng đường dài phía trước" để trở lại trạng thái toàn dụng lao động sau đại dịch COVID-19, vì vậy Fed đảm bảo rằng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã nhiều lần nói rằng lạm phát cao hơn ở Eurozone gần đây chủ yếu là do "các yếu tố tạm thời" liên quan đến đại dịch và ECB sẽ không sớm thắt chặt chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Cũng trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách ngày 22/7, bà Lagarde đã đề cập đến mục tiêu lạm phát mới của ECB mà bà mô tả là mục tiêu "đơn giản hơn" và "cân đối hơn". Điều này đồng nghĩa ECB sẽ cho phép lạm phát tạm thời cao hơn hoặc thấp hơn mức mục tiêu trước khi có hành động can thiệp.
Tại cuộc họp, ECB đã giữ nguyên chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn cho Eurozone, nhấn mạnh việc cần tiếp tục hỗ trợ khu vực này để đạt được mục tiêu lạm phát mới do ngân hàng trung ương đề ra.
Tại Anh, ông Richard Hughes, Chủ tịch Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính công tại Anh, mới đây nhận định lạm phát tăng được cho là hiện tượng tạm thời do sự điều chỉnh để nền kinh tế trở lại các mức hoạt động bình thường. OBR cũng không kỳ vọng đà tăng lạm phát sẽ duy trì trong thời gian dài.
Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE cho biết chưa có ý định thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về những tiến bộ đáng kể của nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Tại Mỹ Latinh, các ngân hàng trung ương khu vực đang chịu sức ép lớn hơn trong việc tăng lãi suất. Các ngân hàng trung ương Brazil và Mexico (Mê-hi-cô), hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã tăng lãi suất.
Tại Brazil, vào đầu tháng 5/2021, Ngân hàng trung ương nước này đã nâng lãi suất lần thứ hai trong năm 2021 lên mức 3,5% nhằm kiếm chế lạm phát, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Động thái trên đã cho thấy mức độ cảnh báo về lạm phát đối với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực.
Sức ép lạm phát tại Mỹ Latinh đối nghịch với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, nơi các ngân hàng trung ương phần lớn vẫn chưa hành động, khi nhu cầu yếu trong lúc các nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau những tác động của đại dịch.
Hàn Quốc được cho là quốc gia châu Á đầu tiên rút dần các chính sách kích thích tiền tệ được triển khai trong giai đoạn dịch bệnh và bắt đầu bình thường hóa việc nới lỏng chính sách. Thống đốc BoK Lee Ju-yeol cho biết ngân hàng này sẽ bắt đầu bình thường hóa chính sách nới lỏng tiền tệ vào cuối năm nay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/