|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỹ Latinh: Các ngân hàng trung ương trước sức ép hành động do lạm phát

23:57 | 02/07/2021
Chia sẻ
Các ngân hàng trung ương khu vực Mỹ Latinh đang chịu sức ép lớn hơn trong việc tăng lãi suất do lạm phát gây lo ngại, khi sự chuyển hướng gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đưa đến những nhận định của thị trường về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong ba tuần qua, các ngân hàng trung ương Brazil và Mexico, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã tăng lãi suất, với quyết định của Ngân hàng Trung ương Brazil đã được nhận định rộng rãi, còn của Ngân hàng Trung ương Mexico đã khiến các thị trường bất ngờ.

Động thái trên đã cho thấy mức độ cảnh báo về lạm phát đối với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, nơi mà các nước như Brazil mất nhiều năm đương đầu với siêu lạm phát, còn các nước khác như Argentina vẫn đang phải đối mặt với lạm phát ở mức hai con số.

Trong khi đó, trong tháng trước, các quan chức FED dự đoán một thời điểm sớm hơn cho việc tăng lãi suất và để ngỏ khả năng thảo luận về cách thức kết thúc chương trình mua trái phiếu được thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng.

Mỹ Latinh: Các ngân hàng trung ương trước sức ép hành động do lạm phát - Ảnh 1.

Mỹ Latinh đang phải đối mặt với lạm phát. (Ảnh: Reuters).

Sức ép lạm phát tại Mỹ Latinh đối nghịch với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, nơi các ngân hàng trung ương phần lớn vẫn chưa hành động, khi nhu cầu yếu trong lúc các nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau những tác động của đại dịch.

Tại Brazil, các thị trường nhận định lãi suất vào cuối năm sẽ vượt các mức vào cuối năm 2019, thời điểm trước khi các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch được thực hiện và khi sức ép lạm phát khó xuất hiện hơn.

Mexico được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 1,25 điểm phần trăm vào cuối năm, sau lần tăng đầu tiên kể từ năm 2018. Colombia, với lần tăng lãi suất trước đó là vào năm 2016, được dự báo tăng trên 1,5 điểm phần trăm vào cuối năm.

Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại công ty quản lý quỹ Ashmore, Gustavo Medeiros, cho rằng một số ngân hàng trung ương có thể phải tăng lãi suất lên trên các mức trước đại dịch, do giá hàng hóa tăng cao hơn nhiều và đồng tiền xuống giá, một sự kết hợp hiếm thấy.

Đồng real của Brazil giảm giá gần 8% trong quý I. Đây là một trong những đồng tiền yếu nhất vào đầu năm nhưng phục hồi trong quý II, là đồng tiền tăng mạnh nhất, với mức tăng trên 13%.

Sự phục hồi của đồng tiền một phần là nhờ Ngân hàng Trung ương Brazil, một trong những ngân hàng quyết liệt nhất trong các nền kinh tế mới nổi trong việc tăng lãi suất.

Khi lạm phát vượt dự báo, Ngân hàng Trung ương Brazil đã tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 2% hồi tháng Ba và tăng thêm 75 điểm cơ bản mỗi lần tại hai cuộc họp sau đó, lên 4,25% và thậm chí thảo luận việc tăng mạnh hơn tại cuộc họp trong tháng Sáu.

Người phụ trách kinh tế tại Mỹ Latinh của Goldman Sachs, Alberto Ramos, tại Chile, cho rằng sự phục hồi mạnh nhu cầu, kim ngạch thương mại tăng, lạm phát mạnh hơn và lãi suất chính sách rất thấp đã tạo tiền đề cho việc bắt đầu quy trình bình thường hóa chính sách tiền tệ từng bước.

Các nhà hoạch định chính sách tại Chile hồi tháng Sáu đã thảo luận về việc tăng lãi suất, với khả năng là vào tháng này. Các thị trường nhận định lãi suất sẽ được tăng từ 0,5% lên 2% vào cuối năm nay, so với mức trước đại dịch 1,75%.

Tại Mexico, lạm phát vào giữa tháng Sáu ở mức 6%, gấp đôi mức mục tiêu 3%. Còn tại Colombia, nơi lạm phát vẫn thấp trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh ngay cả khi đồng peso giảm trên 9% trong năm nay, Ngân hàng trung ương sẽ chịu ít sức ép hơn trong việc tăng lãi suất hơn.

Lê Minh