|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lạm phát leo thang, doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng, giảm công suất

07:00 | 20/07/2022
Chia sẻ
Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và EU chạm đỉnh nhiều năm khiến nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, thời trang giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, giảm công suất, thậm chí nhiều khách hàng còn yêu cầu giãn, hủy đơn hàng đã ký.

Doanh nghiệp lo bị hủy đơn hàng, giảm công suất

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số ấn tượng đối với ngành trong giai đoạn doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19.

Trái với sự lạc quan của 6 tháng đầu năm, ông Vũ Đức Giang dự báo nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường trước tình hình lạm phát tăng mạnh tại Mỹ và EU.

Theo số liệu của Trading Economic, tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 6 vừa qua đã nhảy lên mốc 9,1%, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981. Tương tự, tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng tiền chung Euro chạm đỉnh 30 năm, lên mốc 8,6%.

 

Cơn bão lạm phát ở hai thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam khiến nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút, gián tiếp tác động đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và quý IV.

Trao đổi với người viết, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết: “Quý III này với các doanh nghiệp dệt may sẽ rất vất vả. Đơn hàng từ Mỹ và EU của VitaJean đã giảm khoảng 20%, một số khách hàng xin giãn đơn hàng thu đông. Do đó, chúng tôi dự kiến giảm công suất lao động xuống 4 ngày/tuần, thay vì 6 ngày như trước đây”.

Đại diện VitaJean cho biết tình trạng thiếu đơn hàng dệt may là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp bởi hai thị trường này chiếm tới 60% tổng kim xuất khẩu ngành. Thậm chí, ông Việt còn lo lắng rằng nếu lạm phát tiếp tục leo thang, khách hàng có thể hủy các đơn hàng đã ký cho năm 2023.

Tiêu thụ hàng hóa chững lại, khách hàng giãn đơn khiến lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp lên tới 3-6 tháng khiến dòng tiền đứng im, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Mặt khác khi giá trị đồng Euro lao dốc, nguồn tiền thu về từ các đơn hàng của EU bị hao hụt trong khi doanh nghiệp vẫn phải thanh toán nguyên liệu cho đối tác Trung Quốc bằng đồng USD với giá cao.

“Với tình hình này, doanh thu và lợi nhuận nửa cuối năm của VitaJean có thể giảm. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm doanh thu tăng 16% có thể bù đắp lại một phần, kết quả kinh doanh năm 2022 dự kiến đi ngang so với năm 2021”, ông Việt nói.

Tương tự như VitaJean, đơn hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ của Tổng công ty May 10 cũng giảm mạnh trong quý III và quý IV do nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng chậm lại dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang giảm trong khi hàng tồn kho còn nhiều.

Như vậy, cơn bão lạm phát trên toàn cầu đang tấn công ngành dệt may Việt Nam, con đường đến với đích 43-44 tỷ USD của ngành càng nhiều chông gai.

Chia sẻ trong talkshow "Dấu hỏi lạm phát", ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: “Ngành dệt may đặt mục tiêu năm nay xuất khẩu đạt 43 - 44 tỷ USD. Nếu thuận lợi như 6 tháng đầu năm thì có thể cán đích. Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát, tôi cho rằng xuất khẩu dệt may chỉ có thể tăng trưởng 5% so với mốc 39 tỷ của năm 2021”.

Việc lạm phát gia tăng, Mỹ và EU nâng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ khiến sức mua thị trường đi xuống, đơn hàng sẽ giảm theo nhưng không đồng đều giữa các doanh nghiệp.

Chủ tịch TNG cho rằng từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ có sự phân hóa rõ năng lực của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tốt, có uy tín sẽ nhận được nhiều đơn hàng còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, uy tín thấp, thì số lượng đơn hàng kém hơn.

Tránh bão lạm phát bằng cách nào?

Trước cơn bão lạm phát, mỗi doanh nghiệp có cách ứng xử khác nhau, trong đó TNG chọn cách cân đối biên lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Với cách này, đơn hàng của TNG vẫn ổn định, doanh nghiệp đang ký với khoảng 4-5 khách hàng lớn ở Mỹ, Pháp, Colombia. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chớp được thời cơ khi sức tiêu thụ của thị trường Nga tốt lên, tổng giá trị đơn hàng ở thị trường này khoảng 30 triệu USD.

“Tôi dự đoán tình hình đơn hàng xuất khẩu đi Nga của Việt Nam nói chung và TNG nói riêng có thể tăng 150%”, ông Thời nói.

Việc duy trì ổn định các đơn hàng giúp doanh thu tháng 6 của 750 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 3.229 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021 và thực hiện được 54% kế hoạch năm.

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% lên 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 21% lên 280 tỷ đồng. Dựa trên kết quả 6 tháng, ông Thời khẳng định doanh nghiệp sẽ hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch năm.

Doanh nghiệp dệt may thay đổi kế hoạch sản xuất linh hoạt với biến động thị trường. (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản)

Trong khi TNG chọn cách chia sẻ với khách hàng thì Tổng công ty May 10 lại nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các biến động thị trường.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết trước kia doanh nghiệp thường làm đơn hàng theo quý, tháng, còn giờ phải làm theo ngày theo tuần. Đây là cách doanh nghiệp tự điều chỉnh, thích ứng với những đảo lộn của thị trường thế giới sau căng thẳng Nga – Ukraine.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đàm phán và tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động. 

Ngoài những giải pháp các doanh nghiệp đưa ra, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng trong bối cảnh nhu cầu giảm, doanh nghiệp dệt may cần tận dụng các ưu đãi thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do, nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ.

Mặt khác, doanh nghiệp cần tăng tính chủ động về nguyên liệu đầu vào và đầu tư thêm vào các sản phẩm cao cấp, khác biệt để đứng vững trước bão lạm phát.

Phạm Mơ