Là nhà đầu tư giá trị giống Warren Buffett, huyền thoại Carl Icahn lại mang tiếng 'kẻ cướp doanh nghiệp'
Carl Icahn là huyền thoại của Phố Wall. Tuy nhiên, khác với Warren Buffett, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường ít nghe đến Icahn và doanh nghiệp lại run rẩy sợ hãi khi biết rằng ông đang để mắt đến họ.
Một trong những biệt danh gắn liền với Icahn là “kẻ cướp doanh nghiệp” - dù ông ghét cách gọi này. Vậy Carl Icahn là ai và chiến lược đầu tư của ông là gì?
Các thương vụ khét tiếng
Carl Icahn sinh ra tại một khu dân cư nghèo khó ở New York vào năm 1936. Con đường học vấn cũng không báo trước là ông sẽ có sự nghiệp lừng lẫy trong ngành tài chính hay bất cứ lĩnh vực nào.
Icahn lấy bằng cử nhân triết học vào năm 1957, sau đó theo học tại Trường Y New York theo lời thuyết phục của mẹ nhưng lại bỏ học giữa chừng vì chán ghét ngành y.
May mắn cho Icahn là dù cha mẹ không giàu, chú của ông lại có nhiều tiền và hào phóng. Ông cũng trở nên hứng thú với ngành tài chính sau những lần nói chuyện với một người bạn của gia đình làm nghề phân tích chứng khoán. Dần dần, Icahn kiếm được công việc môi giới chứng khoán nhờ sự giúp đỡ của chú.
Sau khi làm cho vài doanh nghiệp khác, Icahn tự mở công ty chứng khoán riêng có tên Icahn & Company nhờ khoản vay 400.000 USD từ chú.
Ban đầu, Icahn tập trung vào quyền chọn. Nhờ lợi nhuận khổng lồ từ các giao dịch đó, sau này Icahn đã trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng và đáng sợ nhất Phố Wall.
Năm 1978, Icahn bắt đầu nỗ lực thâu tóm đầu tiên đối với doanh nghiệp ông coi là bị định giá quá thấp và hoạt động kém hiệu quả - nhà sản xuất thiết bị gia dụng Tappan.
Sau khi gom đủ cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn, Icahn tiến hành cuộc chiến ủy nhiệm với ban lãnh đạo của Tappan. Ông giành chiến thắng và xếp đặt việc bán lại công ty cho nhà sản xuất đồ gia dụng Thụy Điển AB Electrolux. Sau khi hoàn tất thương vụ, ông kiếm được 3 triệu USD.
Những thương vụ kiểu này khiến Icahn trở thành “kẻ cướp doanh nghiệp” đáng gờm vào những năm 1980. Năm 1979, ông mua Bayswater Realty & Capital Corporation, 4 năm sau thâu tóm AFC Industries. Năm 1985, Icahn lãi đậm 50 triệu USD từ việc mua và bán lại cổ phiếu cho Phillips Petroleum.
Theo tờ Investopedia, nước đi đỉnh cao trong giai đầu sự nghiệp của Icahn là thâu tóm hãng hàng không Trans World Airlines (TWA) vào năm 1985. Không lâu sau, TWA mua lại vài hãng hàng không nhỏ trong khu vực trong bối cảnh Icahn tìm cách mở rộng quy mô công ty để cải thiện khả năng sinh lời.
Năm 1988, Icahn biến TWA thành công tư tư nhân thông qua kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 650 triệu USD, giúp ông lấy lại gần hết khoản đầu tư 469 triệu USD. Đồng thời, động thái này khiến TWA phải ôm khối nợ 540 triệu USD.
Ngay sau đó, TWA bán lại các tuyến đường bay chủ lực cho đối thủ, khiến công ty suy yếu. TWA tuyên bố phá sản vào năm 1992, Icahn rời công ty một năm sau đó.
Trong quá trình giải thể doanh nghiệp, Icahn đã thương thảo để lấy voucher vé máy bay từ TWA để bù cho số tiền 190 triệu USD mà TWA nợ ông. Thương vụ này bao gồm điều khoản cấm Icahn bán chúng qua các đại lý du lịch nên ông đã thành lập LowestFare để bán voucher vé máy bay.
"Sói già Phố Wall" có cùng cách tiếp cận với Warren Buffett
Giống như Warren Buffet, Carl Icahn là nhà đầu tư giá trị. Hai huyền thoại này đều nhắm đến những doanh nghiệp có giá cổ phiếu không phản ánh hoàn toàn tiềm năng của họ.
Warren Buffett luôn tìm kiếm “món hời”, còn Icahn mua công ty “khi không một ai muốn nó”. Và cả hai người đều phân tích khoản đầu tư theo góc độ họ đang mua một doanh nghiệp thay vì cổ phiếu. Điều này đòi hỏi họ phải có sự hiểu biết về cách hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi thị trường và các nhà phân tích nhìn vào kết quả kinh doanh hàng quý, hàng năm và dự đoán giá cổ phiếu, Icahn chú ý khám phá những chi tiết về doanh nghiệp mà nhiều người thường bỏ lỡ.
Tuy nhiên, tờ Motley Fool chỉ ra sự khác biệt lớn giữa hai người là Buffett chọn những doanh nghiệp có ban quản lý tốt và muốn nắm giữ cổ phiếu vĩnh viễn.
Còn Icahn thì sẵn sàng thay thế nhân sự trong hội đồng quản trị hoặc bán tài sản của doanh nghiệp cho người có thể khai thác hoàn toàn giá trị của chúng. Từ đó, ông có thể chốt lời nhanh chóng từ khoản đầu tư.
Vào cuối thế kỷ 20, danh tiếng của Icahn thay đổi và ông hoạt động tích cực hơn với tư cách nhà đầu tư chủ động, thay vì chỉ đơn thuần là thâu tóm và bán lại doanh nghiệp như trước.
Đầu tiên, Icahn mua một lượng lớn cổ phiếu trong doanh nghiệp ông cho là bị định giá thấp, sau đó công bố kế hoạch khắc phục các vấn đề khiến công ty hoạt động kém.
Ông thường chia tách các phân khúc hoạt động tốt ra khỏi công ty mẹ, thay thế ban lãnh đạo, cắt giảm chi phí và mua lại cổ phiếu. Icahn cũng thường nhắm đến các khoản lương thưởng của CEO vì ông cho rằng những nhà lãnh đạo này được trả công quá cao và họ không có động lực để vực dậy công ty.
Các cải cách của Icahn thường giúp cải thiện hoạt động của doanh nghiệp. Ngày nay, ông thậm chí còn không cần phải áp dụng chúng để gặt hái kết quả.
Danh tiếng của ông lớn đến mức một khi ông nhắm đến một doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư tổ chức khác sẽ theo chân ông và mua gom cổ phiếu đó, kéo giá lên cao. Hiện tượng này được gọi là “cú hích Icahn”.
Ví dụ vào năm 2012, Icahn mua gom hơn 10% cổ phiếu Netflix khi giá rớt gần xuống mức đáy trong 52 tuần. “Cú hích Icahn” đã góp phần khiến Netflix tăng vọt 14% sau khi ông tiết lộ vị thế trong báo cáo gửi lên cơ quan quản lý.