|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bậc thầy đầu tư: John Templeton trở thành huyền thoại nhờ một đời 'xa lánh đám đông'

15:00 | 01/12/2024
Chia sẻ
John Templeton được coi là một trong những nhà đầu tư ngược xu hướng giỏi nhất mọi thời đại. Ông thành lập quỹ tương hỗ Templeton Growth Fund vào năm 1954 và đạt tỷ suất sinh lời hàng năm gần 15% trong suốt 38 năm. Ông cũng là người đi tiên phong trong lĩnh vực đầu tư quốc tế.

John Templeton. (Ảnh: Quartr). 

John Templeton sinh năm 1912 tại bang Tennesse, Mỹ. Ông nổi tiếng với chiến lược đầu tư ngược đời là mua các cổ phiếu mà ít người để ý tới. Trong sự nghiệp trải dài 7 thập kỷ, Templeton đã làm Phố Wall mê mẩn khi điều hành những quỹ tương hỗ thành công nhất và dẫn dắt các nhà đầu tư tiến ra thị trường nước ngoài.

Và nhờ thành công trên thị trường chứng khoán, ông còn trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.  Sau này, Templeton từ bỏ quốc tịch Mỹ và chuyển tới Bahamas, được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ và thành lập các quỹ từ thiện trao đi hàng chục triệu USD mỗi năm.

Phẩm chất của nhà đầu tư lỗi lạc

Vào năm 1939, quân đội của trùm phát xít Adolf Hitler tràn vào Ba Lan và mở màn cho Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tâm lý hoảng loạn bao trùm khắp nơi. Giữa bầu không khí đó, chàng thanh niên 27 tuổi John Templeton vẫn giữ được lý trí để suy nghĩ về thị trường chứng khoán.

Trái với sự bi quan của những người xung quanh, Templeton lập luận rằng một cuộc chiến tranh sẽ tạo ra sinh khí cho nền kinh tế đang sụp đổ của Mỹ, cứu rỗi ngay cả những công ty yếu kém nhất. Quyết định đó giúp Templeton nhân 5 tài khoản chỉ sau 5 năm. Trong số 104 cổ phiếu ông đầu tư, chỉ 4 cổ phiếu thua lỗ.

Dẫu vậy, đây vẫn là ván cược cực kỳ rủi ro, đòi hỏi một người phải có ý chí thép mới có thể thực hiện. Templeton cho biết lý do duy nhất ông làm được điều này là dù còn trẻ, ông “vẫn có đủ sự tự tin” để nghĩ rằng hầu hết những người tự nhận mình là chuyên gia đều sẽ mắc sai lầm lớn.

Michael Lipper, nhà sáng lập công ty phân tích Lipper Analytical Services, cho biết những nhà đầu tư lỗi lạc như Jempleton, Warren Buffett và George Soros đều có chung một phẩm chấp.

Lipper nhận xét: “Cả ba đều sẵn sàng chịu cô đơn, sẵn sàng nắm lấy vị thế mà những người khác không đánh giá cao. Họ có sự gan dạ mà nhiều người khác không có”.

Tới năm 1940, Templeton mua lại một công ty đầu tư nhỏ và đổi tên thành Templeton, Dubbrow & Vance - đặt nền móng đầu tiên cho đế chế của ông. Ông dấn thân sang mảng quỹ tương hỗ vào năm 1954, thành lập quỹ Templeton Growth Fund ở Canada để tiết kiệm tiền thuế cho cổ đông và nhấn mạnh chiến lược đầu tư ra toàn cầu.

Thành tích của Templeton rất đáng nể. Kể từ năm 1954 đến 1992, quỹ Templeton Growth Fund đạt tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm lên đến 14,5%. Để dễ hình dung, khoản đầu tư trị giá 10.000 USD sau khi đem tái đầu tư cùng cổ tức sẽ biến thành 2 triệu USD sau 38 năm.

Chủ trương đi ngược đám đông

Một trong những quy tắc kiếm tiền chủ chốt của Templeton là tránh xa đám đông. Ông giải thích: “Thành tích xuất sắc không thể đến từ người luôn đi theo bầy đàn”. Câu nói này đã minh họa rõ ràng cho phong cách của Templeton là đầu tư ngược xu hướng.  

Ông cố tình tìm kiếm những cổ phiếu bị từ bỏ hoặc bị ngó lơ bởi những nhà đầu tư khác. Templeton coi các doanh nghiệp gặp rắc rối là cơ hội tăng trưởng. Và ông cũng không chỉ hạn chế phạm vi đầu tư ở Mỹ.

Trong suốt cuộc đời, Templeton đã đến thăm ít nhất 35 quốc gia và nhận thấy rằng thị trường nước ngoài cũng có nhiều cơ hội không kém thị trường Mỹ. Ông được coi là nhà đầu tư phương Tây đầu tiên nhìn ra tiềm năng của phép màu kinh tế hậu thế chiến của Nhật Bản.

Khi Templeton bắt đầu rót vốn sang Nhật Bản vào thập niên 1960, đất nước mặt trời mọc được coi là thị trường mới nổi và là mảnh đất đầy mạo hiểm. Nhưng ông đã tìm thấy những cố phiếu có hệ số P/E chỉ khoảng 4 lần, trong khi P/E của cổ phiếu Mỹ vào khoảng 19,5 lần. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản lại nhanh hơn Mỹ.

Templeton nhận định Nhật Bản là thị trường chứng khoán rẻ nhất thế giới lúc bấy giờ. Ông chộp lấy những viên ngọc quý như Hitachi và Fuji Film, đánh cược 60% tài sản của quỹ vào đất nước bị chế giễu là sản xuất đồ nhái rẻ tiền.  

Sang đến thập niên 1980, các nhà đầu tư vội vã đổ xô vào thị trường Nhật Bản, còn Templeton đã nhân tiền lên gấp 5 và chuẩn bị rời đi.

Năm 1980 chứng kiến một trong những thương vụ táo bạo nhất của Templeton. Năm đó, nhóm phiến quân Shining Light nổi lên ở Peru. Các nước phương Tây xếp Shining Light vào diện tổ chức khủng bố và hạn chế hoạt động kinh tế. Thị trường chứng khoán Peru sụp đổ, giá cổ phiếu xuống đáy.

Templeton không muốn bỏ qua cơ hội vơ vét mòn hời. Do người nước ngoài không được phép mua cổ phiếu Peru vào thời điểm đó, ông thành lập một công ty địa phương và dùng nó để mua cổ phiếu. Khi Shining Light bị đẩy lùi, chính trường Peru lấy lại sự ổn định, hoạt động kinh tế phục hồi và thị trường chứng khoán nhảy vọt. Templeton một lần nữa lãi đậm.

Ngoài Nhật Bản, Templeton cũng đầu tư vào Nga, Trung Quốc và các thị trường châu Á khác. Ông bán ra lượng lớn cổ phiếu trước khi bong bóng công nghệ đổ vỡ vào năm 2000 và cảnh báo về của nợ vay thế chấp tại Mỹ vào năm 2005.

Giang