Bậc thầy đầu tư: 'Trai đẹp Phố Wall' Bill Ackman xây dựng khối tài sản khổng lồ bằng cách nào?
Nhà đầu tư chủ động cừ khôi
Bill Ackman (hiện 58 tuổi) là nhà sáng lập kiêm CEO công ty quản lý quỹ đầu cơ Pershing Square Capital Management. Bản thân Ackman cũng là nhà đầu tư chủ động nổi tiếng trên Phố Wall.
Nhà đầu tư chủ động là người mua lượng lớn cổ phần trong doanh nghiệp mà họ coi là đang hoạt động yếu kém, sau đó dùng quyền lực của cổ đông để tác động đến ban lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tạo ra sự thay đổi, giúp giá trị của công ty đi lên.
Cách tiếp cận này rất khác biệt với Warren Buffett. Chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway chỉ để mắt đến những doanh nghiệp “tuyệt vời” có đội ngũ lãnh đạo mà ông tin tưởng.
Huyền thoại đầu tư 94 tuổi cũng hiếm khi can dự vào những doanh nghiệp mà Berkshire mua lại hay đầu tư vào. Buffett nói chỉ dạy các CEO giỏi cách điều hành doanh nghiệp là “đỉnh cao của sự ngu ngốc”.
Tuy có cách tiếp cận khác nhau nhưng Buffett và Ackman đều là những nhà đầu tư thành công. Forbes cho biết tài sản đang quản lý của Pershing Square trị giá 15 tỷ USD và tài sản ròng của nhà sáng lập vào khoảng 9 tỷ USD.
Những canh bạc lớn
Bill Ackman sinh ra ở New York và tốt nghiệp Đại học Harvard. Năm 1992, ông bắt tay cùng một cử nhân Harvard khác tên là David Berkowitz thành lập quỹ đầu cơ Gotham Partners.
Hai người bắt đầu với số vốn tương đối ít theo tiêu chuẩn ngành quỹ đầu cơ là vài triệu USD. Nhưng tới năm 2000, tài sản đang quản lý của Gotham đã đạt con số đáng nể là 568 triệu USD.
Biến cố xảy ra khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nghi ngờ rằng các báo cáo nghiên cứu của Gotham nhắm mục tiêu thao túng thị trường. Các khách hàng bỏ đi hàng loạt. Năm 2002, Ackman và Berkowitz phải đóng cửa Gotham.
Một trong các báo cáo đáng chú ý của Gotham là về công ty bảo hiểm trái phiếu MBIA. Trong đó, Ackman cáo buộc MBIA cấp xếp hạng tín dụng AAA cho các nhà phát hành không đạt chuẩn và bảo đảm các chứng khoán chưa được kiểm chứng. Ackman giữ vững niềm tin đó dù Gotham đã đóng cửa. Ông duy trì vị thế bán khống MBIA.
Năm 2004, Ackman thành lập quỹ đầu cơ mới có tên Pershing Square Capital Management và tiếp tục xuất bản báo cáo bày tỏ mối quan ngại về MBIA.
Sự kiên nhẫn trong suốt 6 năm ròng của Ackman cuối cùng cũng được đền đáp khi MBIA sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ackman đóng vị thế vào cuối năm 2008, bỏ túi 1,1 tỷ USD lợi nhuận và thu hút sự chú ý của Phố Wall.
Vào năm 2011, giới quản lý quỹ bắt đầu chỉ trích nặng nề CEO và HĐQT của công ty đường sắt khổng lồ Canadian Pacific Railway. Nhận thấy cơ hội kiếm tiền, Pershing Square mua mạnh cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn nhất Canadian Pacific.
Với quyền lực trong tay, Ackman phát động một cuộc chiến với ban lãnh đạo Canadian Pacific. Kết quả là tại cuộc họp thường niên vào tháng 5/2012, CEO Canadian Pacific bị thay thế bởi người mà Ackman chọn, 7 ứng viên khác của Pershing cũng được bầu vào HĐQT công ty. Những thay đổi mà họ thực hiện đã giúp cải thiện giá cổ phiếu của Canadian Pacific, đem về cho Pershing Square khoản lãi 2,6 tỷ USD.
Một trong những chiến thắng lớn nhất của Ackman đến vào năm 2020. Vào khoảng cuối tháng 2 năm đó, khi nước Mỹ bắt đầu trở nên lo ngại về đại dịch COVID-19, Ackman nhanh tay đầu tư 27 triệu USD vào các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, đặt cược rằng chứng khoán Mỹ sẽ xuống dốc.
Vài tuần sau, thị trường Mỹ sụp đổ khi các nhà đầu tư hoảng loạn vì dịch bệnh, Ackman đóng các vị thế và gọn gàng chốt lãi 2,6 tỷ USD.
Cuộc chiến giữa hai người khổng lồ
Ngoài Ackman, một trong những nhà đầu tư chủ động nức tiếng trên Phố Wall là Carl Icahn. Nhưng hai vị tỷ phú lại có mối quan hệ đầy sóng gió và đã từng đưa nhau ra tòa để giải quyết tranh cãi. Hẳn nhiên lý do xuất phát từ vấn đề tiền bạc.
Trong năm 2003, Ackman cùng Icahn tham gia vào một thương vụ đầu tư liên quan tới Hallwood Realty và hai người đồng ý với một thỏa thuận bảo hiểm đặc biệt. Theo đó, nếu Icahn bán ra cổ phiếu trong vòng ba năm và kiếm lãi hơn 10%, ông phải chia sẻ phần lời với Ackman.
Icahn mua cổ phiếu Hallwood với giá 80 USD/cp và sau một năm lại bán ra với giá 136,2 USD/cp. Điều này có nghĩa là Icahn nợ Ackman xấp xỉ 4,5 triệu USD, tờ Forbes cho hay. Nhưng Icahn lại muốn “ăn quịt” và nhất định không chịu trả tiền.
Ackman không chịu cảnh bị bắt nạt và kiện lên tòa án để đòi lại công lý. Ông mất 8 năm kiện tụng còn Icahn mất 4,5 triệu USD và phải trả 9% tiền lãi hàng năm.
Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu trong mối quan hệ thù địch giữa hai nhà đầu tư quyền lực.
Năm 2012, Pershing Square cáo buộc công ty bổ sung dinh dưỡng Herbalife là trò lừa đảo theo mô hình kinh doanh kim tự tháp và đặt các vị thế bán khống trị giá lên đến 1 tỷ USD.
Carl Icahn “bắt kèo” ngược lại với các vị thế của Ackman và cuối cùng sở hữu tới 26% cổ phần Herbalife. Sang năm 2013, hai người có màn khẩu chiến dữ dội đến mức khó tin trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.
Tổng cộng, Ackman chi khoảng 50 triệu USD cho chiến dịch quan hệ công chúng chống lại Herbalife. Vào năm 2014, Thượng nghị sĩ Ed Markey kiến nghị SEC điều tra mô hình kinh doanh của Herbalife. Khi thấy giá cổ phiếu này lao dốc 50%, Ackman đóng bớt một số vị thế nhưng không phải tất cả.
Đến tháng 11/2017, giá cổ phiếu Herbalife lại tăng vọt 51% so với đầu năm, buộc Ackman phải dừng toàn bộ việc bán khống. Tổng cộng, Ackman mất gần 1 tỷ USD vì ván cược này, còn Icahn lại hưởng lãi xấp xỉ 1,3 tỷ USD.