Bậc thầy đầu tư: David Einhorn vận dụng linh hoạt đầu tư giá trị với bán khống, để đời với thương vụ Lehman Brothers
David Einhorn làm giàu như thế nào?
David Einhorn là nhà sáng lập lừng danh của công ty đầu tư Greenlight Capital. Greenlight được thành lập với số vốn chưa đến 1 triệu USD. Tuy nhiên, tính đến quý IV/2023, công ty đang quản lý số tài sản xấp xỉ 2 tỷ USD.
Cái tên “Einhorn” có nghĩa là “kỳ lân”. Vì lẽ đó, một số người có thể nghĩ rằng Einhorn yêu thích các có doanh thu tăng trưởng thần tốc (nhưng lợi nhuận đa phần thường hạn chế hoặc bị âm).
Nhưng trên thực tế, cách đầu tư của ông hoàn toàn ngược lại. Là nhà đầu tư giá trị, Einhorn chú ý nhiều hơn tới các công ty ổn định, đáng tin cậy trên thị trường.
Einhorn bắt đầu sự nghiệp tại ngân hàng đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette. Vào năm 1993, ông chuyển tới quỹ đầu cơ Siegler, Collery & Company và được nhà quản lý quỹ Peter Collery đào tạo.
Ba năm sau, Einhorn tự mở quỹ của riêng mình. Hành trang của ông bao gồm số vốn tương đối nhỏ (900.000 USD) và triết lý đầu tư vững chắc học hỏi từ người thầy Collery.
Nhưng ông không trở nên giàu có sau một đêm. Einhorn đối mặt với không ít thách thức nhưng luôn trung thành với phương pháp đầu tư theo định hướng giá trị. Tính kỷ luật đó đã nhiều lần đem lại cho ông trái ngọt.
Những chiến công vang dội
Cái tên Einhorn được nhiều người biết đến vào năm 2002, khi ông cáo buộc công ty tài chính Allied Capital gian lận tài chính. Einhorn mở vị thế bán khống Allied Capital và đồng thời tuyên bố rằng công ty này đang lừa đối cổ đông bằng cách xào nấu sổ sách và thổi phồng giá trị tài sản.
Một ngày sau khi Einhorn tiết lộ phân tích của ông ra công chúng, cổ phiếu Allied Capital lao dốc 11%, giúp ông lãi hàng triệu USD.
Allied Capital và Einhorn tranh cãi nảy lửa. Cuộc điều tra kéo dài 5 năm của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) xác nhận quan điểm của Einhorn là đúng. Allied quả thực đã vi phạm các tiêu chuẩn kế toán liên quan đến luật chứng khoán và định giá các công cụ kém thanh khoản.
Einhorn nhanh chóng trở thành diễn giả quan trọng nhất và là người có sức hút lớn nhất tại Hội nghị Đầu tư Sohn - nơi các nhà đầu tư có ảnh hưởng trên thế giới chia sẻ ý tưởng kiếm tiền. Tài sản của ông gia tăng theo cấp số nhân, một số người kỳ vọng ông sẽ trở thành Warren Buffett với phong cách đầu tư giá trị.
Năm 2007, David Einhorn ghi bàn thắng lớn nhất trong sự nghiệp với thương vụ bán khống Lehman Brothers. Einhorn chia sẻ bản phân tích về báo cáo tài chính của Lehman, cáo buộc ông lớn ngân hàng này sử dụng phương pháp kế toán tinh vi nhằm che đậy khoản nợ khổng lồ đối với chứng khoán đảm bảo bằng tài sản.
Gần như ngay sau khi Einhorn thông báo bán khống cổ phiếu Lehman, ngân hàng này đã tiết lộ khoản lỗ ba tỷ USD. Khoản lỗ khủng chứng minh cáo buộc của Einhorn là hợp lý. Lehman Brothers nộp đơn phá sản vào tháng 9/2008, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ năm đó.
Về cơ bản, Einhorn luôn gắn bó với các quy tắc của đầu tư giá trị. Nhưng điều khiến ông trở nên đặc biệt là cách áp dụng độc đáo những quy tắc đó cùng với khả năng thích ứng linh hoạt.
Einhorn không nhìn lướt qua mà xem xét kỹ lưỡng tình hình tài chính của doanh nghiệp, mổ xe chi tiết bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Ông đánh giá các hệ số và thước đo tài chính quan trọng để hiểu rõ khả năng sinh lời, tình hình tài chính và triển vọng tăng trưởng của công ty.
Đối với các khoản đầu tư bình thường vào cổ phiếu giá trị, Einhorn tìm kiếm những công ty có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ và bộ máy quản trị tốt.
Nhưng khác với những nhà đầu tư giá trị thuần túy, Einhorn sẵn sàng bán khống để phòng vệ cho các vị thế mua và kiếm lời từ các cổ phiếu được định giá quá cao.
Các thương vụ bán khống thành công chứng minh kỹ năng của Einhorn trong việc phát hiện vết nứt trong tình hình tài chính của doanh nghiệp mà những nhà đầu tư khác bỏ lỡ.
Kiên định với đầu tư giá trị
Phong độ của Einhorn bắt đầu đi xuống kể từ năm 2015. Giá trị của Greenlight Capital giảm hơn 20% kể từ năm 2015, một phần bởi khoản lỗ nặng 74% vì cổ phiếu nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời SunEdison - một trong những khoản đầu tư lớn nhất của quỹ lúc bấy giờ.
Einhorn mất kiên nhẫn với ông lớn streaming Netflix vào năm 2015 và nhà sản xuất xe điện Tesla trong năm 2019. Greenlight bán khống hai cổ phiếu này do nghi ngờ về các khoản điều chỉnh thu nhập, lập luận rằng hai cổ phiếu này kém ổn định hơn vẻ ngoài.
Trong cả hai trường hợp, Einhorn chịu tổn thất đáng kể khi giá Netflix và Tesla tiếp tục tăng vọt.
Những nhà đầu tư trẻ có khuynh hướng nghi ngờ chiến lược của Einhorn. Nhiều người cho rằng Greenlight xuống dốc là do Einhorn quá gắn bó với cổ phiếu giá trị thay vì cổ phiếu tăng trưởng cao.
Vào năm 2014, tài sản đang quản lý của Greenlight ước tính vào khoảng 12 tỷ USD, nhưng nay chỉ còn khoảng 1/6 do các khoản lỗ và bị nhà đầu tư quay lưng.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn tháng 4/2024 với CNBC, Einhorn khẳng định ông vẫn trung thành với phong cách đầu tư giá trị và đã điều chỉnh chiến lược để phù hợp với môi trường mới, tập trung vào các cổ phiếu trả cổ tức. Đồng thời, ông cũng tiếp tục bán khống các cổ phiếu được định giá quá cao.
Vào năm 2022, Greenlight Capital báo lãi 36,6% trong khi chỉ số S&P 500 giảm 21%. Sang năm 2023, Greenlight tiếp tục lãi 22% sau khi trừ đi các khoản phí, trong khi đó S&P 500 đạt tỷ suất sinh lời 24,2%.