|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bậc thầy đầu tư: David Tepper ghi danh vào lịch sử nhờ ván cược liều lĩnh trong khủng hoảng tài chính 2008

08:26 | 29/09/2024
Chia sẻ
David Tepper tạo dựng tên tuổi trên Phố Wall nhờ những ván cược táo bạo trong hơn 30 năm qua. Nước đi của ông trong khủng hoảng tài chính năm 2008 được coi là một trong những thương vụ đầu tư xuất sắc nhất mọi thời đại.

Tỷ phú David Tepper. (Ảnh: Bloomberg). 

Với tài sản ròng ước tính hơn 21 tỷ USD, David Tepper là một trong những nhà đầu tư giàu có nhất thế giới và một trong những tỷ phú quyền lực nhất hiện nay.

Tepper sinh ra trong một khu khu phố trung lưu ở Pittsburgh vào năm 1957. Sự nghiệp của ông bắt đầu với những vị trí cấp thấp ở ngân hàng Equibank và nhà sản xuất thép Republic Steel.

Tepper gia nhập Goldman Sachs vào năm 1985, đảm nhận vị trí nhà phân tích tín dụng. Ông làm việc tại Goldman Sachs trong 7 năm và trở thành chuyên gia về nợ của các công ty gặp khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản hoặc nợ có các điều khoản lắt léo.

Vào năm 1993, Tepper rời Goldman Sachs sau khi bị từ chối thăng chức lên thành đối tác. Ông mở công ty quản lý quỹ đầu cơ Appaloosa Management với đồng nghiệp cũ. Kể từ đó đến năm 2023, Appaloosa đạt tỷ suất sinh lời chuẩn hóa hàng năm hơn 28%, vượt xa thành tích của chỉ số S&P 500.

Bàn thắng để đời

Thành công của Tepper đến từ các ván cược lớn vào những thị trường bị nhà đầu tư hắt hủi.

Khi châu Á chao đảo trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, ông chất đầy danh mục với trái phiếu Nga và cổ phiếu Hàn Quốc. Nước đi này giúp Tepper bỏ túi hàng trăm triệu USD khi thị trường phục hồi hai năm sau.

Sau đó, Tepper lãi lớn nhờ trái phiếu rác trong năm 2003 và ván cược vào sắt, thép và các công ty tài nguyên khác cũng đem lại lợi nhuận đáng kể khi giá hàng hóa nhảy vọt vào năm 2008.

Tuy nhiên, năm 2009 mới là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp của David Tepper.

Liên tục trong tháng 2 và tháng 3 năm đó, Tepper gom các cổ phiếu ngân hàng như Bank of America và Citigroup khi giá của chúng “giảm kịch sàn”. Hầu hết các nhà đầu tư khác tin rằng cổ phiếu sẽ tiếp tục lao dốc không phanh. Những người bạn có cùng quan điểm lạc quan như Tepper cũng không dám hành động.

Ngày 10/2/2009, Bộ Tài chính Mỹ công bố kế hoạch ổn định tài chính, bao gồm chương trình rót vốn vào các ngân hàng bằng cách mua cổ phiếu ưu đãi của họ.

Tepper nhận ra đây là bằng chứng cho thấy chính phủ quyết tâm bảo vệ hệ thống ngân hàng. Ngay lập tức ông chỉ đạo nhân viên mua gom cổ phiếu và trái phiếu ngân hàng.

Song, các nhà đầu tư khác cho rằng kế hoạch của Bộ Tài chính báo hiệu ý định quốc hữu hóa các nhà băng của chính phủ và vì vậy họ không ngừng bán tháo cổ phiếu. Bank of America giảm xuống còn 2,53 USD/cp vào ngày 20/2. Tới ngày 5/3, Citigroup rớt còn 0,97 USD/cp.

Tepper nói chuyện với một trong những đối tác của Appaloosa: “Điều này thật nực cười, thật điên rồ! Làm sao chính phủ Mỹ có thể thất hứa được? Chính phủ sẽ không để các ngân hàng sụp đổ, mọi người đang hành động phi lý!”

Do thị trường liên tục đi xuống, có lúc Appaloosa bị lỗ khoảng 10%, tương ứng tổn thất 600 triệu USD. Vậy là Tepper trực tiếp nhấc điện thoại để đặt lệnh mua thêm cổ phiếu, điều mà ông thường giao cấp dưới làm. Lần này, ông muốn nói chuyện trực tiếp với các công ty chứng khoán Phố Wall để xem tình hình tồi tệ đến đâu.

Họ trả lời thành thực rằng tình hình hiện rất tăm tối và Tepper là nhà đầu tư lớn duy nhất mua nhiều cổ phiếu. Tepper kể lại: “Tôi có cảm giác như mình là một người đơn độc. Có những ngày thậm chí chẳng ai thèm mua cổ phiếu”.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2009, giá cổ phiếu Citigroup tăng gấp ba và những khoản đầu tư khác của Tepper cũng phục hồi. Ông và các nhân viên tiếp tục mua hơn 1 tỷ USD cổ phiếu nữa khi các ngân hàng mở đợt chào bán.

Ván cược của Tepper thành công mỹ mãn, đem về cho ông lợi nhuận 7 tỷ USD. Đến cuối năm 2009, Appaloosa trở thành một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới với quy mô khoảng 12 tỷ USD, tờ Wall Street Journal cho biết.

David Tepper còn là chủ sở hữu đội bóng bầu dục NFL Carolina Panthers. (Ảnh: AP).

Lãi to và lỗ cũng nặng

Tepper là nhà đầu tư liều lĩnh, dám đi ngược với đám đông. Đôi khi ông đặt hơn nửa tỷ trọng của danh mục vào một ý tưởng đầu tư. Do đó, ông cũng dễ có nguy cơ bị thua lỗ đột ngột và nặng nề.

Cách tiếp cận “được ăn cả, ngã về không” đó khiến Tepper mất 1 tỷ USD trong năm 2008. Tháng 1 năm đó, thị trường rộ lên thông tin một nhà đầu tư đã tích lũy các vị thế lớn khiến gã khổng lồ ngành tài chính Societe Generale lỗ 5 tỷ euro (tương đương khoảng 7,2 tỷ USD).

Tepper hấp tấp bán lượng lớn cổ phiếu trong danh mục do lo ngại thị trường sẽ hỗn loạn. Nhưng rốt cuộc giá cổ phiếu vẫn trụ vững, khiến Appaloosa bị tổn thương.

Trước đó, vào đầu năm 2007, Tepper trở nên lạc quan về cổ phiếu của các công ty lớn và mua vào. Nhưng rốt cuộc thị trường lại đi xuống, khiến quỹ đầu cơ lớn nhất của Tepper lỗ 25% trong năm 2008.

Một khách hàng lâu năm của Appaloosa bình luận: “Đầu tư với David Tepper là trải nghiệm giống như đang bay, sau hàng giờ nhàm tẻ thì đột ngột bạn bị giật thót tim. Tepper là người theo chủ nghĩa cơ hội điển hình, sẵn sàng đầu tư vào bất kỳ loại tài sản nào, nhưng bạn phải có ý chí sắt thép thì mới có thể cùng làm ăn với ông ấy”.

Tepper hầu như luôn bỏ ngoài tai ý kiến của khách hàng kể từ năm 2000. Khi đó, ông cược rằng chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq sẽ cắm đầu giảm, nhưng rất nhiều khách hàng của Appaloosa phàn nàn rằng ông đang đi chệch khỏi chuyên môn là đầu tư vào nợ.

Dưới áp lực của nhà đầu tư, Tepper phải hủy bỏ ván cược. Nhưng chỉ vài tháng sau chỉ số Nasdaq thực sự lao dốc, khiến ông vô cùng giận dữ vì bỏ lỡ cơ hội. 

Vào năm 2019, Tepper thông báo Appaloosa sẽ dần chuyển đổi thành văn phòng gia đình và công ty sẽ dần hoàn lại tiền cho các nhà đầu tư bên ngoài. Sự chuyển đổi này sẽ giúp ông nâng cao tính riêng tư, linh hoạt và khả năng kiểm soát đối với các khoản đầu tư. 

Giang