Bậc thầy đầu tư: Ông chú mờ nhạt John Paulson và nước đi thiên tài trong cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
John Paulson để lại dấu ấn của mình trong lịch sử ngành tài chính vào mùa thu năm 2007. Tại thời điểm đó, thị trường chứng khoán đang đổ vỡ, các công ty Phố Wall nơm nớp lo sợ vì chứng kiến lỗ tăng lên mỗi ngày. Giữa lúc nhiều người trở nên trắng tay, Paulson lại “ngập” trong khoản lãi khổng lồ.
Công ty Paulson & Co. thu về tổng cộng 15 tỷ USD trong năm 2007, riêng nhà sáng lập bỏ túi 4 tỷ USD. Cuối năm đó, môi giới gọi điện để nhắc Paulson về một tài khoản cá nhân trị giá 5 triệu USD. Lúc bấy giờ, số tiền đã trở nên quá nhỏ bé, đến mức ông quên bẵng đi.
Paulson bước lên đỉnh Phố Wall nhờ ván cược rằng thị trường nhà đất Mỹ sẽ sụp đổ và các khoản vay thế chấp mua nhà rủi ro sẽ “bốc hơi”. Đáng chú ý là trước đó, Paulson chỉ là một nhân vật ít người biết trên Phố Wall.
Một nhà quản lý quỹ đối thủ của ông sau này nhận xét: “Paulson thậm chí còn không phải chuyên gia về nhà đất hay nợ vay thế chấp… Cho đến thương vụ đó, ông ta chỉ là một gã tầm thường, không có gì đặc biệt”.
Nổi bật vì... sự mờ nhạt
Paulson thành lập công ty riêng vào năm 1994 bằng 2 triệu USD vốn cá nhân và tiền góp của gia đình, bạn bè. Chuyên môn của ông là đầu tư vào các thương vụ sáp nhập doanh nghiệp có nhiều khả năng thành công. Đây là một trong những hình thức đầu tư an toàn nhất, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Các khách hàng gặp gỡ Paulson đôi khi thấy bất ngờ vì cái bắt tay yếu ớt, thiếu khí lực và thái độ dè dặt của ông, bởi ngành tài chính là nơi tập trung những con người đầy sinh khí, quen ăn to nói lớn. Trong khi các nhà quản lý quỹ trẻ tuổi quen ăn mặc thoải mái, Paulson ngày ngày “đóng bộ” bằng com-lê tối màu và cà vạt đơn điệu.
Vào đầu năm 2006, thị trường nhà đất Mỹ đang bước vào năm thứ 4 của giai đoạn bùng nổ chưa từng có trong lịch sử. Còn Paulson bước vào tuổi 49, tức là độ tuổi xế chiều xét theo tiêu chuẩn của Phố Wall. Ông bị bỏ xa bởi những đối thủ đã đầu tư mạnh vào nhà đất.
Và cũng trong khoảng thời gian đó, Paulson thuê Paolo Pellegrini, một nhà phân tích gốc Italy cũng không gặp nhiều vận may trong sự nghiệp trên Phố Wall. Paulson giao cấp dưới xác định xem liệu có đúng là nhà ở đang bị định giá quá cao không. Pellegrini làm việc đêm ngày và thảo luận hàng giờ với Paulson để tìm ra đáp án.
Đến một ngày, nhà phân tích đi đến kết luận chắc như đinh đóng cột. Giá nhà ở tại Mỹ chỉ tăng 1,4% mỗi năm trong giai đoạn 1975 - 2000, sau khi loại trừ ảnh hưởng của lạm phát. Nhưng trong 5 năm tiếp theo, giá lại tăng tốc hơn 7% mỗi năm.
Điều đó có nghĩa là giá nhà sẽ phải giảm gần 40% để quay về đường xu hướng lịch sử. Thậm chí nghiên cứu về các trường hợp quá khứ còn cho thấy cú lao dốc thực tế nhiều khả năng sẽ còn thảm khốc hơn.
Sau khi nghe Pellegrini trình bày dữ liệu và biểu đồ, Paulson thốt lên: “Thật không thể tin được!”. Kể từ giây phút đó, hai người dành hết thời gian để tìm cách kiếm lời từ phát hiện này.
Kỳ tích năm 2007
Sau vài tháng, Paulson đã xác định được “thương vụ hoàn hảo”. Bảo hiểm đối với nợ vay thế chấp rủi ro khi đó đang giao dịch với mức giá rẻ mạt. Ông sẽ mua hàng núi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng - các khoản đầu tư đóng vai trò bảo hiểm đối với nợ vay thế chấp rủi ro. Khi giá nhà trượt dốc và chủ nhà vỡ nợ, giá trị công cụ bảo hiểm này sẽ đi lên và ông kiếm được bộn tiền.
Đến mùa hè năm 2006, ông huy động được 147 triệu USD chủ yếu từ bạn bè và gia đình để mở quỹ mới tập trung cho chiến lược trên. Không dừng lại ở đó, Paulson và Pellegrini tiếp tục háo hức tìm cách mới để đặt cược chống lại các khoản vay thế chấp rủi ro để tăng cường vị thế.
Hai người gặp gỡ các banker tại Bear Stearns, Deutsche Bank, Goldman Sachs và những nhà băng khác, đề nghị họ tạo ra một loại sản phẩm tài chính mới - các “gói” nợ vay thế chấp theo dạng nghĩa vụ nợ thế chấp (CDO).
Ý tưởng ở đây là các ngân hàng đầu tư sẽ bán CDO cho những khách hàng tin tưởng rằng giá trị các khoản nợ vay thế chấp sẽ đi lên, còn Paulson & Co. sẽ đặt cược chống lại chúng.
Lúc đó các nhà băng Mỹ cũng đang tạo ra hàng trăm loại CDO khác, nên đề nghị của Paulson không có gì bất thường. Detsche Bank, Goldman Sachs và một số ngân hàng khác đồng ý làm việc với Paulson.
Cuối cùng, công ty của Paulson đã đặt cược chống lại số CDO trị giá 5 tỷ USD. Chỉ sau vài tháng, họ thu về hơn 4 tỷ USD tiền lãi. Vào năm tiếp theo, Paulson kiếm thêm 5 tỷ USD nữa bằng cách bán khống những công ty tài chính chịu nhiều rủi ro từ thị trường nhà đất, đem về tổng cộng 15 tỷ USD cho năm 2007.
Đoạn kết trầm
Nước đi xuất sắc trong năm 2007 giúp Paulson trở nên nổi tiếng, khách hàng lũ lượt đầu tư vào công ty ông. Tài sản của Paulson & Co. đạt đỉnh 38 tỷ USD vào năm 2011, trở thành một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới.
Nhưng sau chiến thắng vang dội trong cuộc khủng hoảng tài chính, Paulson liên tiếp gặp phải thất bại. Ông nóng lòng tìm kiếm cơ hội béo bở khác, nhưng lại quá lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ và quá bi quan vào khủng hoảng nợ châu Âu, tờ Bloomberg cho hay.
Có lúc ông đặt cược mạnh vào vàng vì tin rằng các nhà đầu tư sẽ tìm cách phòng hộ chống lại lạm phát. Nhưng sau đó, vàng lại rơi vào thị trường gấu. Paulson bình luận về sự nóng vội của mình: “Khi bạn đã nếm mùi chiến thắng một lần, bạn không thể từ bỏ mà muốn thắng lần nữa”.
Sai lầm lớn đầu tiên của Paulson đến vào năm 2011, khi một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất của ông lỗ 51% vì ván cược tồi vào sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Hai năm tiếp theo, ông tạo ra khoản lỗ 9,4 tỷ USD cho khách hàng. Dĩ nhiên điều này khiến ông bị khách hàng quay lưng.
Cuối cùng, tới tháng 7/2020, Paulson thông báo chuyển đổi quỹ đầu cơ thành văn phòng gia đình, chỉ tham gia thị trường bằng vốn cá nhân. Forbes ước tính tài sản ròng của ông hiện nay là 3,8 tỷ USD.