|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bậc thầy đầu tư: Bài học giúp Paul Tudor Jones nhiều lần thắng lớn khi những người khác 'đổ máu' trên thị trường

15:34 | 10/11/2024
Chia sẻ
Paul Tudor Jones là huyền thoại trong giới tài chính. Ông kiếm đậm trong nhiều sự kiện đen tối của thị trường chứng khoán, bao gồm cú đổ vỡ của bong bóng cổ phiếu Nhật Bản năm 1990 và bong bóng công nghệ Mỹ đầu thế kỷ 21.

Tỷ phú đầu tư Paul Tudor Jones. (Ảnh: The Street). 

Bỏ Harvard để tập trung vào đầu tư

Sự nghiệp của Paul Tudor Jones có khởi đầu khá thuận lợi. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tại Đại học Virginia năm 1976, ông đầu quân cho Eli Tullis, một trong những nhà đầu cơ cotton lớn nhất trên thị trường lúc bấy giờ. Jones bắt đầu làm việc tại sàn giao dịch cotton ở New York chỉ hai tuần sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ông không hề thấy bỡ ngỡ hay choáng ngợp mà ngược lại cảm thấy rất phấn khích trước năng lượng của các trader trên sàn. Ông nhận thấy rằng đây sẽ là ngôi nhà thứ hai của mình.

Ban đầu, Jones chủ yếu hỗ trợ giao dịch cho các trader. Về sau, ông mới trở thành nhân viên môi giới cho công ty lớn E. F. Hutton. Đến năm 1980, ông ra riêng vầ tự giao dịch cho chính mình và khách hàng. Trong hơn hai năm tiếp theo, ông tiếp tục kiếm lời tốt.

Tuy nhiên, Jones thấy chán và ứng tuyển vào Trường Kinh doanh Harvard để thay đổi tâm trạng. Jones thuật lại trong cuộc phỏng vấn năm 2000: “Tháng nào tôi cũng in ra tiền nhưng tôi không cảm thấy thỏa mãn về mặt tinh thần”.

Đúng lúc Jones sắp xếp đồ để nhập học, ông nhận ra hành động của mình thật “điên rồ”, bởi trường học sẽ không thể dạy ông kỹ năng ông cần có. Jones nhận ra điều ông thiếu vắng là sự giao tiếp với các đồng nghiệp. Vậy là ở độ tuổi rất trẻ là 26, Jones tự mở quỹ đầu cơ Tudor Investment Corporation với số vốn 300.000 USD.

Chiến thắng vang dội

Ngay từ năm 1986, Jones đã bắt đầu dự đoán rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụt giảm. Và đó không phải một cú vấp ngã thông thường mà là một sự kiện “gây chấn động mạnh, làm rung chuyển Trái đất”.

Dự đoán táo bạo và có vẻ như hoang đường của Jones đã trở thành sự thật vào Ngày thứ Hai đen tối 19/10/1987. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 22,6% chỉ trong một phiên. Chỉ số S&P 500 thậm chí còn tiêu cực hơn, lao dốc 30%. Sự kiện đó là khởi đầu cho chuỗi ngày giảm điểm trên thị trường và là một trong những câu chuyện đáng sợ nhất trong lịch sử tài chính.

Trong lúc toàn Phố Wall bần thần đếm lỗ thì Jones vung tay hốt bạc từ các vị thế bán khống đã đặt từ trước. Ước tính Tudor Investment lãi 100 triệu USD trong năm 1987 - con số gần như không tưởng vào thời điểm đó - tương ứng tỷ suất sinh lời 200%.

Trong vòng 5 năm tới tháng 10/1987, Dow Jones đã tăng gấp ba lần, dẫn đến việc cổ phiếu được định giá quá cao. Tới đầu năm 1987, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định tỷ giá theo Hiệp ước Louvre, gây áp lực lên giá cổ phiếu.

Cùng vào thời điểm đó, rất nhiều nhà đầu tư sử dụng bảo hiểm danh mục - công cụ quản lý rủi ro bằng quyền chọn bán chỉ số. Do đó, khi thị trường trượt dốc, các nhà đầu tư sẽ đồng loạt thực hiện quyền chọn bán và đẩy thị trường xuống thấp hơn nữa. Jones sớm biết trước hiện tượng này sẽ xảy ra nên đã mạnh tay xếp đặt các vị thế bán khống.

Đây là ván cược nổi tiếng nhất của Paul Tudor Jones, nhưng trên thực tế ông cũng còn những chiến công vang dội khác. Vào năm 1990, công ty của ông báo lãi 87,4% nhờ đặt cược vào cú rơi của thị trường Nhật Bản. Trong giai đoạn 2001 - 2002, khi nhiều nhà đầu tư sạt nghiệp vì bong bóng cổ phiếu công nghệ Mỹ đổ vỡ, Jones đã báo lãi 48,1%.

Hiện tại, Forbes ước tính tài sản ròng của Jones vào khoảng 8,1 tỷ USD. Tài sản đang quản lý của Tudor Jones Investment vào khoảng 13 tỷ USD.

Bài học quan trọng nhất

Khi được hỏi về lời khuyên tốt nhất ông có thể chia sẻ với các nhà đầu tư, Jones không ngần ngại trả lời: “Đừng tập trung vào việc kiếm tiền, hãy tập trung vào việc bảo vệ những gì bạn có”.

Jones đã phải trả giá đắt cho bài học đó. Vào năm 1979, Jones suýt sạt nghiệp khi một ván cược hợp đồng tương lai cotton diễn biến trái với dự đoán của ông.

Jones cho biết khi đó ông chỉ mải nghĩ đến số tiền mình sẽ kiếm được nếu thực tế diễn ra như dự đoán mà không nghĩ đến hậu quả nên đã đặt cược tất tay. Kết quả là khi thị trường biến động mạnh, ông không kịp trở tay và tài khoản bốc hơi 60 - 70%.

Thất bại này khiến Jones đau đớn đến mức tính đến chuyện bỏ nghề, nhưng sau đó ông bình tĩnh lại và tiếp tục dấn bước vào sự nghiệp đã chọn. Ông nhấn mạnh: “90% yếu tố biến nhà đầu tư trở nên vĩ đại là năng lực kiểm soát rủi ro”.

Jones coi trọng các công cụ tài chính có tính thanh khoản cao để ông có thể nhanh chóng vào hoặc thoát khỏi vị thế, ví dụ như chứng khoán phái sinh. Trái lại, ông không thích để vốn bị trói buộc trong thời gian dài vào một cổ phiếu.

Giang