Ba ván cược xuất sắc nhất trong sự nghiệp của huyền thoại George Soros
George Soros là một trong những nhân vật lừng lẫy nhất trong thế giới tài chính. Ông nổi tiếng vì từng thực hiện các khoản đặt cược với quy mô khổng lồ trên thị trường tiền tệ. Soros được cho là kiếm được 1 tỷ USD trong một ngày khi bán khống đồng bảng Anh.
George Soros sinh ra tại Hungary thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau đó ông nhập cư vào Anh để học tại Trường Kinh tế London và sau đó chyển đến thành phố New York. Dần dần, ông thành lập quỹ đầu cơ Quantum Fund.
Đến khi Soros chuyển quỹ đầu cơ thành văn phòng gia đình vào năm 2011, ông tạo ra tỷ suất sinh lời trung bình hàng năm khoảng 20% trong gần 4 thập kỷ. Dưới đây là ba trong số các giao dịch tiền tệ lớn nhất của ông, theo tổng hợp của trang Investopedia:
Bán khống bảng Anh
Ván cược chống lại đồng bảng Anh của Soros được nhiều người ca tụng là một trong những giao dịch tiền tệ vĩ đại nhất trong lịch sử. Vào năm 1990, Anh gia nhập Cơ chế Tỷ giá Hối đoái châu Âu (ERM) trong giai đoạn lạm phát cao và lãi suất thấp.
Theo thỏa thuận, Anh cam kết duy trì tỷ giá đồng bảng trong một biên độ dao động nhất định với đồng mark của Đức. Để giữ lời hứa, Anh buộc phải tăng lãi suất liên tục để thu hút người mua đồng bảng. Soros nhận ra bảng Anh bị định giá quá cao so với đồng mark và bắt đầu đặt cược chống lại đồng tiền nước Anh.
Mùa hè năm 1992, Soros bắt đầu xây dựng vị thế. Các cộng sự cho biết ông đã duy trì vị thế bán khống với quy mô 1,5 tỷ USD trong phần lớn mùa hè. Chính phủ Anh bảo vệ đồng bảng bằng cách liên tục kéo lãi suất lên cao.
Các quan chức Anh nhanh chóng nhận ra họ sẽ phải trả khoản tiền khổng lồ để bảo vệ đồng nội tệ. Giới chức Đức cũng công khai bình luận rằng các thỏa thuận trong ERM có thể được điều chỉnh vào giữa tháng 9.
Khi nghe tin này, Soros quyết định tất tay vào ván cược của mình. Đến giữa tháng 9, ông đã tăng quy mô vị thế từ 1,5 tỷ USD lên 10 tỷ USD.
Soros biết chính phủ Anh đang phải vật lộn để giữ giá đồng bảng. Trong kịch bản đồng bảng tương đối ổn định, Soros và các nhà đầu tư của ông sẽ chỉ mất rất ít tiền. Nhưng trong trường hợp bảng Anh lao dốc, họ sẽ gặt hái lợi nhuận lớn. Như vậy, đây là ván cược rủi ro thấp nhưng lại có tiềm năng sinh lời khủng.
Chính phủ Anh buộc phải từ bỏ ERM và thả nổi tỷ giá bảng Anh vào tối ngày 16/9/1992. Sang ngày kế tiếp, bảng Anh sụt 15% so với mark Đức và mất 25% so với USD. Ước tính Soros kiếm được khoảng 1 tỷ USD từ thương vụ này.
Bán khống baht Thái Lan
Soros còn được cho là đã đặt cược chống lại đồng baht trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Một số ước tính cho rằng ông đã dùng 1 tỷ USD trong danh mục 12 tỷ USD để đặt cược đồng nội tệ của Thái Lan sẽ lao dốc.
Điều này cuối cùng đã xảy ra khi ngân hàng trung ương Thái Lan cạn kiệt nguồn lực để hỗ trợ đồng nội tệ và đánh đuổi phe bán khống.
Không lâu sau đó, Thủ tướng Malaysia lên tiếng cáo buộc Soros tấn công tiền tệ của các nước Đông Nam Á và chỉ trích ông dữ dội. Soros đính chính rằng ông bán khống những đồng tiền này vào đầu năm 1997, vài tháng trước khi khủng hoảng xảy ra.
Ông bình luận: “Với việc bán khống baht Thái vào tháng 1/1997, Quỹ Quantum do công ty đầu tư của tôi quản lý đã phát tín hiệu tới thị trường rằng baht có lẽ đang bị định giá quá cao”.
Bán khống đồng yen
George Soros cũng đặt cược chống lại đồng yen trong giai đoạn 2013 - 2014. Một lần nữa, ván cược này lại đem về cho ông khoảng 1 tỷ USD. Khi đó, Soros biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang khuyến khích ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ một cách quyết liệt để kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ.
Những chính sách kinh tế đó được gọi là Abenomics và gây ra hiệu ứng làm phá giá đồng yen. Song song với việc bán khống yen, Soros còn đầu tư vào thị trường chứng khoán Nhật Bản. Trong khoảng thời gian ông duy trì vị thế, đồng yen mất giá khoảng 17%, còn chỉ số Nikkei thì nhảy vọt 28% trước khi bị bán tháo.
Trong năm 2013, quỹ đầu tư của gia đình Soros quản lý hơn 24 tỷ USD và đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 24%.