|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tương lai của đồng yen: Liệu có bị đánh sập như cách huyền thoại George Soros từng làm với đồng bảng Anh?

14:08 | 24/06/2024
Chia sẻ
Một số người đặt câu hỏi rằng liệu đồng yen có rơi vào hoàn cảnh giống như bảng Anh vào đầu những năm 1992 hay không.

Đồng yen đang đuối sức

Sự yếu kém của đồng yen vẫn là vấn đề đau đầu với Tokyo. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đồng nội tệ của Nhật Bản đã tụt khoảng 13,2% so với đồng USD. Theo một số nhà phân tích, có vẻ đồng yen sẽ ghi nhận năm giảm thứ 4 liên tiếp khi năm 2024 kết thúc.

Đồng nội tệ suy yếu đã tạo ra một nền kinh tế Nhật Bản với hai thái cực. Trong khi xuất khẩu và du lịch được hưởng lợi từ tỷ giá hối đoái cạnh tranh hơn, các hộ gia đình và doanh nghiệp lại chịu áp lực khi giá hàng hoá nhập khẩu tăng cao hơn.

Cuối tuần trước, phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cảnh báo: “Nếu đồng yen biến động quá mạnh, nó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia”.

Ông tiếp tục: “Trong trường hợp có những biến động thái quá do hành vi đầu cơ, chúng tôi sẵn sàng can thiệp”.

Trước đó, Tokyo thừa nhận chính phủ đã chi khoảng 9.800 tỷ yen (tương đương 61,3 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong giai đoạn kéo dài một tháng từ ngày 26/4 đến 29/5.

Các nhà chức trách không tiết lộ ngày thực hiện động thái can thiệp. Tuy nhiên, các mô hình giao dịch cho thấy Nhật Bản đã thực hiện hai đợt điều chỉnh lớn vào ngày 29/4 và 1/5.

Dữ liệu dự trữ ngoại hối chỉ ra có thể Nhật Bản đã bán trái phiếu kho bạc Mỹ để tài trợ cho hoạt động đó, theo Bloomberg.

Đồng yen đang giảm xuống gần sát một mốc quan trọng so với đồng USD là 160 yen đổi 1 USD.

Đồng yen đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong bối cảnh các nhà giao dịch đánh cược rằng đồng tiền này sẽ suy yếu kéo dài, thay vì phục hồi so với đồng bạc xanh.

Tính đến ngày 16/4, số ván cược của các quỹ sử dụng đòn bẩy và các nhà quản lý tài sản vào sự suy yếu của đồng yen đã tăng lên hơn 173.000 hợp đồng. Đây là mức cao nhất mà Ủy ban Giao dịch Hàng hoá Tương lai ghi nhận kể từ năm 2006.

Theo tính toán của Bloomberg, đây cũng là vị thế bán khống lớn nhất trong số 9 đồng tiền chính ở thời điểm đó. Điều này khiến đồng yen đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những đợt giảm giá đột ngột.

Trong một báo cáo mới, nhà phân tích Koji Fukaya thuộc hãng tư vấn Market Risk Advisory viết: “Số vị thế bán đồng yen đã tăng lên mức cao vì các nhà giao dịch tin rằng chính sách tiền tệ của Nhật Bản và Mỹ sẽ không thay đổi ở thời điểm hiện tại”.

“Đồng yen có thể tăng giá nếu sự yếu kém của nền kinh tế Mỹ được thể hiện rõ qua dữ liệu, biến động trên thị trường hoặc tâm lý ngại rủi ro. Tuy nhiên, cả ba yếu tố này đều khó dự đoán”, ông nói thêm.

Cùng với sự suy yếu của đồng yen, làn sóng bán khống đồng tiền này của các nhà đầu tư đang gợi nhắc đến câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 30 năm, khi huyền thoại đầu cơ George Soros đánh sập đồng bảng Anh. Một số người đặt câu hỏi rằng liệu đồng yen có rơi vào hoàn cảnh giống như bảng Anh năm xưa hay không.

Chuyện cũ của đồng bảng Anh

Sự ra đời của một lý thuyết

Trong lịch sử, rất ít nhà quản lý tài sản có thể tuyên bố dõng dạc rằng họ đã kiếm được 1 tỷ USD từ duy nhất một giao dịch, chứ chưa nói đến một giao dịch chỉ mất chưa đến 6 tuần để thực hiện.

Huyền thoại đầu cơ George Soros là một trong những cái tên nằm trên danh sách ít ỏi đó. Tất cả là nhờ vào ván cược khổng lồ chống lại đồng bảng Anh vào đầu những năm 1990.

Soros không chỉ kiếm được hơn 1 tỷ USD mà ván cược còn biến ông thành một nhân vật tiếng tăm, một trong những nhà quản lý tài sản táo bạo và thành công nhất.

George Soros bắt đầu sự nghiệp giao dịch quốc tế vào năm 1954 tại bộ phận kinh doanh chênh lệch giá của Singer & Friedlander ở London. Sau đó, ông chuyển đến New York để làm công việc tương tự cho cha của một đồng nghiệp cũ.

Theo Yahoo Finance, Soros đã lăn lộn khắp Phố Wall trong hơn một thập kỷ trước khi thành lập Soros Fund Management và đưa ra lý thuyết về tính phản xạ của thị trường.

Theo nhà quản lý quỹ huyền thoại, thị trường không vận động theo các yếu tố kinh tế mà dựa trên những ý tưởng sai lầm của nhà đầu tư. Soros đã chứng minh lý thuyết của mình có phần đúng khi ông đặt cược chống lại đồng bảng Anh vào năm 1992.

George Soros (93 tuổi) được mệnh danh là một trong những huyền thoại bán khống. (Ảnh: Getty Images).

Ngày thứ Tư đen tối của nước Anh

Vào đầu những năm 1990, Soros bắt đầu xây dựng vị thế bán khống đối với đồng bảng Anh. Trước đó không lâu, Anh vừa tham gia cơ chế tỷ giá hối đoái chung của châu Âu (ERM) và Soros ngay lập tức nhìn thấy cơ hội.

Theo ước tính của ông, đồng bảng được định giá quá cao và lạm phát ở Anh đang đè bẹp giá tài sản. Soros cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) chỉ có hai lựa chọn: tăng lãi suất hoặc thả nổi đồng bảng.

Một vấn đề mà BoE gặp phải là hệ thống ERM khiến việc điều chỉnh lãi suất trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Soros quyết định đặt cược chống lại đồng bảng Anh.

Trên thị trường ngoại hối, George Soros mua đồng mark Đức và bán đồng bảng Anh. Nói cách khác, ông mua vào một trong những đồng tiền mạnh nhất châu Âu và bán ra đồng tiền sắp sửa suy yếu.

Giữa lúc áp lực lên BoE ngày càng gia tăng, Soros tiếp tục nâng vị thế bán khống. Cuối cùng, ông bán khống tổng cộng 10 tỷ USD bảng Anh.

Vào ngày 16/9/1992, BoE “tức nước vỡ bờ”. Sau khi BoE tăng lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính mà không tạo ra mấy tác động, đồng bảng Anh tụt xuống mức đáy mới so với đồng mark.

BoE phải rút khỏi thoả thuận ERM của châu Âu sau chưa đầy ba năm gia nhập và lâm vào cảnh phải phá giá đồng nội tệ. 

Đồng bảng Anh một lần nữa được thả nổi tự do so với các đồng tiền châu Âu khác. Và, thương vụ bán khống của George Soros đã tạo ra một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử thị trường với lợi nhuận ước tính khoảng 1,5 tỷ USD.

Không chỉ tài sản cá nhân của Soros nhảy vọt mà công ty của ông giờ đây còn được biết đến là một trong những tay chơi lớn trên thị trường tiền tệ và quy mô tài sản của Soros Fund Management cũng tăng trưởng vượt bậc.

Yên Khê